Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những chính sách được Bộ Y tế đề xuất tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT là điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đồng bộ với các quy định có liên quan.

Liên quan đến đề xuất hỗ trợ thân nhân người lao động (NLĐ) tham gia BHYT, Bộ Y tế cho rằng dù đây là chính sách nhân văn nhưng thời điểm chưa phù hợp. Vì vậy, Bộ Y tế đã không đề xuất phương án này trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật BHYT sửa đổi.

Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đạt được nhiều thành công, với hơn 93% người dân tham gia BHYT.

Tuy nhiên vẫn còn gần 7% người dân chưa tham gia BHYT, phần lớn theo diện tự đóng BHYT hộ gia đình, các đối tượng làm nông nghiệp, diêm nghiệp, chủ hộ tự kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh...

Vì vậy, ở lần sửa đổi này ban soạn thảo tập trung nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các giải pháp để tăng tỷ lệ bao phủ của các đối tượng trong nhóm gần 7% này.

Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định có liên quan.
Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định có liên quan.

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Trần Thị Trang, để lựa chọn được giải pháp khả thi, phù hợp và đề xuất chính sách trên cơ sở hệ thống pháp luật hiện hành, thực tiễn triển khai, kinh nghiệm quốc tế, có 3 phương án đã được liệt kê để thực hiện đánh giá tác động của các đối tượng chịu tác động liên quan.

Phương án 1: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại điều 12 Luật BHYT để phù hợp với thực tiễn thực hiện luật. Thực hiện BHYT bổ sung đối với những người đã tham gia BHYT bắt buộc nhưng tự nguyện tham gia BHYT bổ sung để thêm gói quyền lợi. Nội dung này được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện và chia sẻ rủi ro.

Phương án 2: Bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân NLĐ, trong đó nhóm thân nhân NLĐ sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. 70% còn lại do NLĐ và chủ sử dụng lao động đóng, trong đó NLĐ đóng 1/3 và chủ sử dụng lao động đóng 2/3 (tương tự trách nhiệm đóng đối với NLĐ) và một số quy định khuyến khích đóng BHYT một lần cho tối đa 3 năm để tạo cơ chế đóng thuận tiện, duy trì người dân tham gia BHYT.

Phương án 3 là giữ nguyên như quy định hiện hành.

“Sau khi thực hiện đánh giá tác động đối với các đối tượng chịu sự tác động của các bên liên quan trên cơ sở cân nhắc giữa ưu điểm và khó khăn, Bộ Y tế đã đề xuất phương án 1.

Điều này sẽ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay và không tác động đến hoạt động của DN sau giai đoạn khó khăn của đại dịch” - Vụ trưởng Vụ BHYT nhấn mạnh.