Chủ đầu tư phải bố trí đủ diện tích đỗ xe hai bánh
Để giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn đối với diện tích đỗ xe tại chung cư mini, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đề xuất một số giải pháp tạm thời. Theo đó, yêu cầu chủ đầu tư phải bố trí đủ diện tích đỗ xe hai bánh; có trách nhiệm rà soát về diện tích đỗ xe của công trình, kiến nghị tham khảo, áp dụng thiết kế khu vực đỗ xe của loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ như quy định đối với nhà chung cư.
Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư không được bố trí đỗ xe tại khu vực để xe nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ nếu không đảm bảo yêu cầu về diện tích và các yêu cầu về tính độc lập được quy định tại quy chuẩn.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Xây dựng đề xuất, tại các khu để xe của nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ trên phải được kẻ ô trên mặt bằng cho từng vị trí để xe để đảm bảo cự ly an toàn giữa các xe, đảm bảo an toàn giao thông cho người đi lại, điều kiện về lối thoát nạn qua khu vực để xe. Trong đó có phân chia ô để xe máy; ô để xe đạp điện; ô để xe đạp.
Giám đốc Sở Xây dựng cũng đề xuất nghiên cứu có giải pháp tách biệt bằng vách ngăn cháy, ngăn khói giữa khu vực để xe với sảnh thang máy, khu vực cầu thang bộ và độc lập với lối thoát nạn.
Ngoài ra, cần có quy định về việc sử dụng phương tiện giao thông của tòa nhà. Các phương tiện giao thông sử dụng xăng, điện phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn của hệ thống động cơ, hệ thống nhiên liệu; không để hiện tượng rò rỉ xăng dầu tại khu vực để xe, sử dụng ắc quy, pin sạc điện phải đảm bảo chất lượng trong thời gian sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Khu vực sạc điện cho xe sử dụng điện (nếu có) phải được bố trí riêng đảm bảo khoảng cách an toàn với các phương tiện xung quanh; không được sạc pin qua đêm; bộ sạc phải phù hợp hệ thống pin xe; quá trình sạc pin phải được theo dõi an toàn; bổ sung thiết bị chữa cháy chuyên dụng phù hợp để xử lý sự cố cháy nổ pin xe điện. Trường hợp không đảm bảo các điều kiện an toàn không được sạc pin…
Cũng liên quan vấn đề này, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP nhấn mạnh phương châm “4 tại chỗ” (bao gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ) nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, dập tắt đám cháy và hạn chế thiệt hại khi lực lượng cảnh sát PCCC ở xa chưa kịp tới hoặc khó tiếp cận đám cháy. Qua đó giảm thiểu những thiệt hại khi hỏa hoạn xảy ra.
Quận Đống Đa có hơn 230 ngõ sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được
Thảo luận tại hội nghị, nhiều địa phương nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn.
Là đơn vị được đánh giá có nhiều cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, quận Đống Đa có dân số trên 37 vạn người, địa bàn có hơn 1000 ngõ ngách với tổng chiều dài 163km trong đó có 232 ngõ sâu chiều ngang dưới 3m, xe chữa cháy không tiếp cận được, không có nguồn nước chữa cháy…
Ông Lê Tuấn Định thông tin, trên địa bàn quận Đống Đa có 600 cơ sở không đảm bảo về yêu cầu PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực. Trong đó, 494 cơ sở thuộc loại hình chung cư, nhà tập thể cũ (chiếm 82,33%); 9 cơ sở thuộc loại hình bệnh viện (chiếm 1,5%); 32 cơ sở thuộc loại hình trường học, giáo dục (chiếm 5,34%); 4 cơ sở thuộc lại hình chợ (chiếm 0,66%); 5 cơ sở loại hình kho bãi hàng hóa (chiếm 0,83%); 46 cơ sở cơ sở thuộc loại hình văn phòng, trụ sở làm việc (chiếm 7,67%); 10 cơ sở thuộc loại hình khác (chiếm 1,67 %). Hiện đã thực hiện đôn đốc ký cam kết và phê duyệt lộ trình thực hiện khắc phục PCCC của 106/600, đạt tỷ lệ 17,6%.
Toàn quận hiện có tổng số 1.946 cơ sở chung cư mini, trong đó có 1.881 cơ sở kinh doanh cho thuê trọ với 9.170 hộ đang thuê trọ và 65 (chung cư mini) với 1.768 hộ dân đang sinh sống. Qua đánh giá sơ bộ, hầu hết các cơ sở này không đảm bảo về công tác PCCC, không đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các công trình xung quanh và hầu hết các cơ sở chỉ có 1 lối thoát nạn mỗi tầng, thiếu thang bộ thoát nạn, chưa có các giải pháp ngăn cháy phù hợp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn quận đã xảy ra 10 vụ cháy lớn, nhỏ tại các công trình nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân đều được xác định do phát sinh cháy từ các thiết bị điện dân dụng.
“Hạ tầng cơ sở trên địa bàn quận xuống cấp, nhiều cơ sở đã được xây dựng từ rất lâu, từ trước Luật PCCC ra đời. Nhiều công trình được cấp phép xây dựng là nhà dân nhưng trong quá trình xây dựng vượt đã chuyển đổi công năng sử dụng thành cơ sở cho thuê trọ. Công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn do đặc điểm địa bàn có nhiều khu dân cư nằm sâu trong ngõ, địa hình chữa cháy phức tạp, khó triển khai các đội hình chữa cháy thông thường để xử lý” – Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho hay.
Quận Thanh Xuân yêu cầu di chuyển xe máy, xe đạp điện tại tầng 1 các chung cư mini
Tại hội nghị giao ban, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, quận đã thành lập 18 tổ kiểm tra để tổng kiểm tra, rà soát chung cư mini, các nhà cho thuê trọ nhiều căn hộ. Qua rà soát sơ bộ, địa bàn quận có khoảng 1.900 chung cư mini, nhà cho thuê trọ; trong đó có khoảng gần 90 chung cư mini…
Đến nay, quận đã kiểm tra 180 chung cư mini, nhà thuê trọ có mức độ như chung cư mini. Các đoàn kiểm tra đã yêu cầu di chuyển toàn bộ xe máy, xe đạp điện tại tầng 1 khỏi chung cư mini, nhà thuê trọ và đặt mục tiêu nếu không di chuyển được toàn bộ phương tiện thì phải di chuyển được 70-80% phương tiện xe máy, xe đạp điện để nếu xảy ra sự cố thì mức độ ảnh hưởng sẽ giảm bởi qua thống kê, khoảng 90% vụ cháy đều xuất phát từ tầng 1.
Quận cũng yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp lắp đặt cửa chống cháy ngăn từ tầng 1 vào cầu thang bộ, từ cầu thang bộ lên các tầng cao hơn để ngăn khói vào các tầng; yêu cầu tại tầng 1 trang bị thêm bình chữa cháy công suất lớn; yêu cầu nhà dân tăng cường trang bị thang dây thoát hiểm, cửa sổ mở có bản lề để nếu cháy có thể thoát hiểm…
Quận nêu đề xuất TP tăng cường trang bị thiết bị chuyên dụng cho lực lượng PCCC; nghiên cứu có giải pháp tổng thể với các cơ sở nhà trọ, nhà cho thuê đang có vi phạm về PCCC để xử lý triệt để về vấn đề này.
Phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy là phường đã từng xảy ra vụ cháy thiệt hại về người và tài sản năm 2016, do đó đây là một trong những nhiệm vụ trong tâm trong những năm vừa qua. Sau khi xảy ra vụ cháy tại quận Thanh Xuân, phường đã triển khai rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường về phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, tập trung về công tác tuyên truyền tập huấn trong nhân dân về chữa cháy tại chỗ, cứu hộ cứu nạn.
Theo Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Tống Xuân Duy, khu vực chợ Nhà Xanh là khu vực có nguy cơ cháy nổ và trật tự đô thị. Đây là khu vực được hình thành từ năm 1990. Đến nay qua nhiều lần GPMB, chợ còn khoảng 1.500m2, nằm trong quy hoạch để mở rộng đường Phan Văn Trường. Phường đã quản lý PCCC, thường xuyên kiểm tra về công tác này.
“Hiện nay do đây là chợ tạm nên việc đầu tư nâng cấp phòng cháy chữa cháy còn gặp khó. Các hộ kinh doanh chủ yếu là quần áo, vải vóc nên nguy cơ cháy nổ cao. Bên cạnh đó còn có tâm lý chủ kinh doanh còn chủ quan, chưa tuân thủ các quy định phòng cháy...” - Chủ tịch UBND phường Tống Xuân Duy cho biết.
Do đó, phường Dịch Vọng Hậu đề nghị TP chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền phối hợp với Cầu Giấy sớm di dời chợ Nhà Xanh để đáp ứng yêu cầu của Nhân dân, đảm bảo phòng cháy và mỹ quan đô thị.