70 năm giải phóng Thủ đô

Đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu, nam 60, nữ 55, có lợi cho người lao động?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 8 hiệp hội đã có đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu xuống 60 với lao động nam, 55 tuổi với lao động nữ, đang nhận được sự quan tâm, tranh luận đa chiều của mọi người.

Giảm tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu sớm

 Khi góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, 8 hiệp hội đã có đề xuất: Người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

8 hiệp hội đã có đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu xuống 60 với lao động nam, 55 tuổi với lao động nữ. Ảnh minh họa: Thanh Hải.
8 hiệp hội đã có đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu xuống 60 với lao động nam, 55 tuổi với lao động nữ. Ảnh minh họa: Thanh Hải.

8 hiệp hội giải thích, trên thực tế, lao động Việt Nam chủ yếu là làm việc tay chân, có nhiều trường hợp tham gia từ rất sớm, thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội cao. Khi họ 55 - 60 tuổi thì sức khỏe giảm sút không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ mất việc. Nếu người lao động phải chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống.

Ngoài ra, việc cho phép người lao động được lựa chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ. Người lao động cũng giảm số năm bị trừ 2% cho mỗi năm về hưu trước tuổi.

Nhiều người lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đồng tình với đề xuất của 8 hiệp hội, hội, bởi khi bước sang độ tuổi 45 thì mắt mờ, chân tay chậm, hầu như rất khó đáp ứng công việc nên sản lượng không bằng những người lao động mới vào công ty 3 năm, mà lương lại cao gấp đôi. Chỉ những người làm quản lý, người có chuyên môn và một ít công nhân vệ sinh làm tới 55 – 60 tuổi.

Khi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nam 62, nữ 60 thì rất khó khăn cho công nhân lao động trực tiếp, đó chính là lý do các DN không muốn tiếp tục ký hợp đồng lao động với người lớn tuổi có năng suất làm việc giảm mà phải trả lương cao gấp tới hai lần với những người mới vào.

Thực tế, không ít người lao động ở ngưỡng tuổi 45 – 50 khi bị mất việc rất chật vật tìm kiếm việc làm ở DN có đóng bảo hiểm xã hội.  Chị Phạm Thị Hường (47 tuổi, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang hưởng 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp chia sẻ: Tôi được giới thiệu vào vị trí nhân viên tạp vụ ở một siêu thị nhưng sau 1 tuần thử việc thì không được tiếp nhận bởi nhiều tuổi, sức khỏe không tốt như người trẻ. Nếu tôi đi rửa bát thuê cho các quán hàng thì phải tự bỏ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, như vậy rất khó vì thu nhập thấp.

Đề xuất mâu thuẫn với luật hiện hành

Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Năm 2023, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng và lao động nữ là 56 tuổi.

Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu. Ảnh minh họa.
Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu. Ảnh minh họa.

Bởi vậy, khi biết thông tin 8 hiệp hội đề xuất cho người lao động được về hưu sớm (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, ban soạn thảo nên xem xét. Nhưng theo quan điểm của ông Huân, đề xuất này khó được chấp thuận. “Khi người lao động nghỉ hưu phải đảm bảo 2 điều kiện là số năm tham gia bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, hiện nay chúng ta đã tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 với nam và từ 55 lên 60 với nữ nên khó có thể giảm tuổi nghỉ hưu” – ông Huân nói.

TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Bộ LĐTB&XH, Quốc hội đã tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đến khi nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là phù hợp với xu hướng quốc tế và thực tế Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, các hiệp hội, hội đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu như trước đây là mâu thuẫn với luật và không theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương.

Hơn nữa, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến, Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó người lao động đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm được hưởng lương hưu cũng là tạo điều kiện nghỉ hưu sớm. Ngoài ra, những lao động làm việc ở những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được về hưu sớm 5 năm…

Điều tra về mức sống dân cư có tới 80% những người trên tuổi nghỉ hưu vẫn đang làm việc. Điều đó cho thấy, sau khi nghỉ hưu, nhiều người vẫn có nhu cầu làm việc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Từ thực tế này, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Lan Hương không đồng tình với việc 8 hiệp hội đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu. “Mục tiêu của việc tham gia bảo hiểm xã hội đến khi nghỉ hưu là hưởng mức tối đa 75%. Tuổi nghỉ hưu của một đời người được xác định bởi tuổi thọ và khả năng kinh tế đủ để sinh sống khi hết tuổi lao động. Khi tuổi thọ kéo dài thì phải tăng tuổi nghỉ hưu”- bà Lan Hương nhấn mạnh.

Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, khi xã hội phát triển, có nhiều dịch vụ thì người lao động tuổi cao có thể chuyển sang làm nghề khác. Trung tâm Dịch vụ việc làm ở các tỉnh, TP có thể giới thiệu người lao động tuổi cao sang làm những công việc dịch vụ phù hợp để có thêm thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu có mức lương đủ sống.

 

8 hiệp hội đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu 60 với nam và 55 với nữ, gồm có: Gỗ & Lâm sản Việt Nam, Giày – túi xách Việt Nam, Thực phẩm minh bạch, Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam.