Ngày 14/9, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo phổ biến báo cáo “Rà soát chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục trong trường THCS và THPT ở Việt Nam”.
Tại đây, bà Quách Thu Trang - Tư vấn độc lập của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã thông tin về kết quả báo cáo đánh giá giáo dục SKSS và sức khỏe tình dục (SKTD) trong trường THCS và THPT. Theo đó, nội dung chương trình giáo dục SKSS&SKTD rộng nhưng không sâu.
Đi vào cụ thể, môn Sinh học nói về dậy thì, hiệu quả của mang thai tuổi vị thành niên, nạo phá thai một cách sơ lược, theo duy nhất cách tiếp cận kiêng nhịn tình dục. Trong sách Sinh học không kết nối biện pháp tình dục hay thương thuyết sử dụng biện pháp tránh thai tới quan hệ tình dục. Môn Ngữ văn nhấn mạnh thân phận người phụ nữ thời phong kiến, không có các bình luận về bất bình đẳng trong xã hội hiện tại như thế nào, không liên hệ cuộc sống thực tế của học sinh.
Từ kết quả khảo sát, bà Thu Trang nhận định, có khoảng trống về kiến thức trong sách giáo khoa. Cụ thể là nói ít, nói tránh khi đề cập đến quan hệ tình dục; không cập nhật thông tin điều trị HIV. Trong khi đó lại nói quá tác hại của việc mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai. Đặc biệt, phần lớn kiến thức đưa vào lứa tuổi muộn so với chuẩn quốc tế.
Về phương pháp giảng dạy chưa đa dạng và hạn chế tương tác. Giáo viên hầu hết sử dụng các kỹ thuật hỏi - đáp, bài tập nhóm vô cùng ngắn và thuyết trình là chính. Giáo viên thừa nhận lúng túng khi phản hồi câu hỏi của học sinh.
Điều đáng nói, chủ đề giảng “nhạy cảm” được tích hợp rải rác trong một số môn và giảng ở nhiều thời điểm trong năm học nên cả giáo viên và học sinh đều không thoải mái. Do không có tài liệu và chưa được tập huấn nên giáo viên chưa tự tin về kiến thức họ đưa ra giảng dạy cho học sinh. “Hiện tại chúng tôi mới chỉ đang giảng theo những gì tìm hiểu được” - một giáo viên cấp THPT cho hay.
Về phía các em học sinh lại không thỏa mãn với những gì được dạy ở trường. “Thầy cô chỉ nói chung chung, tụi em không biết chi tiết, cụ thể là thế nào. Tụi em chỉ biết HIV là đại dịch, nhưng chưa hiểu HIV là gì. Thầy cô không nói tới dấu hiệu, làm sao tụi em biết mình có nhiễm hay không….” - một nữa sinh cấp THCS chia sẻ.
Một trở ngại nữa trong giảng dạy tích hợp SKSS&SKTD đó là phụ huynh có quan điểm trái ngược. Một số phụ huynh vùng thành thị chỉ muốn ưu tiên cho các môn học phục vụ thi cử. Phụ huynh vùng nông thôn muốn con học chủ đề này nhưng đòi hỏi “chuyên gia” giảng.
Khi Bộ GD&ĐT chỉ đạo giáo dục tích hợp SKSS nhưng không có văn bản hướng dẫn cụ thể, đã dẫn đến việc các thầy cô hoang mang. Còn học sinh lại đang tiếp cận nhiều nguồn thông tin đa dạng, đặc biệt phổ biến sử dụng internet nên kiến thức biết nhiều hơn các thầy cô. “Có vẻ như thầy cô nói lý thuyết là chính và không liên quan lắm đến thực tế. Em nghĩ giờ phải ít lý thuyết đi và nhiều thực tế hơn, như thế dễ hiểu và dễ áp dụng hơn” - nữ học sinh THPT đề nghị.
Trước thực tế này, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu đáp ứng chuẩn quốc tế về giáo dục SKTD phù hợp với lức tuổi, bắt đầu từ lớp 1. Đồng thời hướng tới môn học riêng về phát triển cá nhân hoặc giáo dục sức khỏe với trọng tâm về giới và SKTD toàn diện.
Về trước mắt, Bộ GD&ĐT cần cải thiện chất lượng nội dung giáo dục SKSS, SKTD trong sách giáo khoa và cập nhật nội dung không còn chính xác. Đặc biệt là cải thiện chất lượng giảng dạy SKSS, SKTD và kỹ năng sống trong tình hình mới.