Sản xuất vụ Xuân 2023 tại Hà Nội

Đề xuất lắp trạm bơm dã chiến Liên Mạc để cấp nước tưới cho gần 32.500ha

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng mực nước sông Hồng hạ thấp trong những năm gần đây, công tác cấp nước phục vụ sản xuất cho gần 32.500ha nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội thuộc lưu vực sông Nhuệ sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Nhuệ (Công ty sông Nhuệ), vụ Xuân 2023, diện tích phục vụ tưới tiêu trực tiếp của đơn vị là gần 32.500ha thuộc 5 huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Thanh Oai, Thanh Trì và 3 quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai. Trong số này, diện tích lúa chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 21.000ha.

Bên cạnh cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho Hà Nội, Công ty sông Nhuệ còn tạo nguồn cho các đơn vị khác thuộc hệ thống gồm: Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Đáy và Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hà Nam. Diện tích tạo nguồn tưới tiêu này là gần 10.100ha.

Cụm công trình đầu mối Liên Mạc tại quận Bắc Từ Liêm.
Cụm công trình đầu mối Liên Mạc tại quận Bắc Từ Liêm.

Trưởng phòng Quản lý nước (Công ty sông Nhuệ) Bùi Anh Tuấn cho biết, để phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023, đơn vị dự kiến lấy nước trực tiếp từ sông Hồng qua các trạm bơm tưới: Hồng Vân, Thuỵ Phú I, Thuỵ Phú II và trạm bơm dã chiến Quang Lãng. Công ty cũng sẽ vận hành các trạm bơm lấy nước từ sông Đáy, trong đó có 2 trạm lớn nhất là Xóm Cát và Thái Bình.

Các trạm bơm lấy nước trực tiếp từ sông Hồng, sông Đáy được thiết kế có thể vận hành trong điều kiện mực nước tháo. Do đó, Công ty sông Nhuệ vẫn đảm bảo chủ động bơm nước phục vụ chống hạn cho khoảng 61% tổng diện tích phục vụ sản xuất trong vụ Xuân 2023. Khoảng 39% diện tích còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước sông Nhuệ (lấy tự chảy từ sông Hồng qua cống Liên Mạc).

Mặc dù vậy, đại diện Công ty sông Nhuệ cho biết đối với việc lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ qua cống Liên Mạc, trong nhiều năm gần đây do mực nước sông Hồng tại thượng lưu cống Liên Mạc rất thấp nên cống phải đóng trong cả vụ Xuân (kể cả trong thời gian xả nước của các hồ chứa thuỷ điện) để giữ không cho nước lưu trong sông Nhuệ chảy ngược ra sông Hồng.

Để thích ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn nước, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Nhuệ Nguyễn Huy Hưng cho  biết, đơn vị dự kiến lắp đặt 34 trạm bơm dã chiến với 57 máy bơm các loại để cấp nước cho vùng khó khăn. Đồng thời, chủ động vận hành sớm các trạm bơm hiện có để lấy nước, tích trữ nước vào hệ thống kênh tưới tiêu, đầm ao hồ, những cánh đồng trũng…

Doanh nghiệp cũng sẽ điều hành linh hoạt, tận dụng triều cường để khai thác nước sông Hồng, sông Châu Giang và sông Đáy khi mực nước các sông cao hơn sông Đáy; Trao đổi thông tin, phối hợp với các công ty thuỷ lợi của Hà Nam vận hành hệ thống Tắc Giang - Phủ Lý để lấy nước sông Hồng tiếp cho sông Duy Tiên, sông Nhuệ.

Nhằm bảo đảm chủ động cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đại diện Công ty sông Nhuệ tiếp tục đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội xem xét, báo cáo và đề nghị UBND TP đầu tư cho lắp đặt trạm bơm dã chiến Liên Mạc với quy mô 5 tổ máy, lưu lượng mỗi tổ máy là 4.000m3/h. Theo đề xuất của Công ty sông Nhuệ, các tổ máy bơm và tủ điện có thể chuyển về từ trạm bơm dã chiến Yên Nghĩa để bảo đảm tiết kiệm chi phí. 

 

“Trong thời gian xả nước các hồ chứa thuỷ điện phục vụ sản xuất vụ Xuân 2022, mực nước trung bình sông Hồng tại thượng lưu cống Liên Mạc luôn thấp hơn mực nước trung bình tại hạ lưu cống (sông Nhuệ). Do vậy, cống Liên Mạc không lấy được nước vào hệ thống, thường xuyên phải đóng để gữ không cho nước lưu trong sông Nhuệ chảy ngược ra sông Hồng...”

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển sông Nhuệ Nguyễn Huy Hưng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần