Mong có nhiều hơn nữa chính sách khuyến khích các cơ báo chí
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) cho biết, theo Dự thảo Luật quy định mức thuế cho báo in vẫn giữ nguyên là 10%; các loại hình báo chí khác giảm từ 20% xuống còn 15%.
Đại biểu cho rằng cần áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% với tất cả các loại hình báo chí vì báo chí không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà còn có nhiệm vụ hoạt động chính trị xã hội, có vai trò định hướng rất lớn - đặc biệt là trong điều kiện truyền thông chính sách hiện nay.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thu đang chảy sang các mạng xã hội, các nền tảng khác; đời sống phóng viên rất vất vả, nếu không có những sự hỗ trợ phù hợp, sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ chính trị, khó phát triển được.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, mức thuế với báo in 10%, các loại hình báo chí khác vẫn giữ 15% là rất bất hợp lý vì nguồn thu từ báo in hiện nay là rất thấp, phần phát hành báo in rất thấp.
"Trước đây chúng ta thấy các sạp báo ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh rất nhiều, nhưng hiện nay thì nếu đi khảo sát thì sẽ thấy là hầu như không còn sạp báo hoạt động" - đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu.
Theo đại biểu, việc chuyển đổi số của các cơ quan báo chí đang diễn ra rất quyết liệt, rất nỗ lực. Muốn chuyển đổi số phải có đầu tư nguồn lực rất lớn, không chỉ đầu tư về máy móc, con người, công nghệ, cách thức chuyển đổi... Nếu ưu chỉ đãi thuế với báo in 10% cũng không có nhiều ý nghĩa mà phải ưu đãi cả cho các loại hình báo chí khác đang thu hút công chúng - nhất là với chủ trương chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo thì báo chí cần tiên phong.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng cho rằng, nếu tách ra ưu đãi riêng cho báo in, các loại hình báo chí khác rất khó vì hiện nay đang thực hiện báo chí đa nền tảng báo chí đa phương tiện. Việc bóc tách ra là không hợp lý, "đã ưu đãi thì chúng ta nên ưu đãi cho xứng tầm để thể hiện rõ chính sách quan tâm đến báo chí".
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, để hỗ trợ báo chí thì không chỉ hỗ trợ chính sách thuế mà còn nhiều cách thức khác mà mong là có những tính toán để có sự đồng bộ hơn nữa trong việc khuyến khích các cơ báo chí làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Cùng quan tâm tới lĩnh vực báo chí, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động báo chí và văn hóa xuống còn 10%, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, truyền thông đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số.
“Tôi đề nghị trong giai đoạn đầu, các lĩnh vực như: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, văn hóa, báo chí được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc là chịu mức thuế thấp nhất để khuyến khích” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Góp ý về Dự án Luật này, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, việc áp dụng ưu đãi thuế cho lĩnh vực văn hóa và báo chí là phù hợp, đặc biệt là đối với các đơn vị báo in. Riêng đối với các đơn vị báo in, Dự thảo Luật cần phải giảm thuế sâu hơn, xuống khoảng mức 5% để hỗ trợ và khuyến khích các đơn vị này phát triển, nhất là trong bối cảnh độc giả có xu hướng chuyển sang báo điện tử nhiều.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ: thống nhất giữa các luật
Phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Bình Phú (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Góp ý vào nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, liên quan đến quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu đã chỉ ra một số nội dung quy định về số vốn, doanh thu... chưa bảo đảm thống nhất với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, tại khoản 3 điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại khoản 1 điều này được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; và có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật hiện chưa có chính sách miễn, giảm thuế đối với khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và bổ sung quy định về bảo đảm tính thống nhất với pháp luật liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) băn khoăn về tổng hợp những ưu đãi của các luật chuyên ngành trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đại biểu, so với các luật chuyên ngành hiện nay thì trong Dự thảo Luật phạm vi thu hẹp lại rất nhiều và không phù hợp với các quy định về đối tượng ưu đãi của Luật Đầu tư và của một số các luật chuyên ngành. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm nội dung này, phải thể hiện rõ những đánh giá tác động nếu khi chúng ta điều chỉnh những nội dung liên quan.
Về thuế suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cũng cho rằng, các quy định chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số những các luật liên quan và có thời hạn mức thuế suất. Vì vậy, cần xem xét thêm các quy định có thực sự là để khuyến khích, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp không, tránh gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp.