Ý kiến này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi trong bối cảnh giá hàng hóa tiêu dùng leo thang, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã quá lạc hậu, khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi.
Mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu
Anh Nguyễn Chí Hào hiện đang làm việc tại một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương mơ ước của nhiều người làm công ăn lương. Nhưng thực tế, khi đồng lương bị chia năm sẻ bảy cho các khoản chi tiêu trong cuộc sống, mới thấy mức thu nhập này chẳng đáng là bao. Đặc biệt trong bối cảnh vật giá leo thang thời gian qua.
Anh Hào chia sẻ, gia đình anh hiện có 6 người, gồm 2 vợ chồng, 2 con nhỏ và bố mẹ già. Hàng tháng, chỉ tính riêng tiền học và sữa của 2 con đã tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng; tiền thuốc cho ông bà mất khoảng 5 triệu; tiền ăn trung bình 350.000 đồng/ngày; tiền điện nước sinh hoạt 2,5 triệu đồng; tiền thăm hỏi ốm đau nội ngoại, bạn bè 1 – 2 triệu đồng; tiền điện thoại, xăng xe, gas… Vì vậy, mặc dù nhìn tổng thu nhập của gia đình khá cao nhưng thực tế gia đình anh gần như vẫn chỉ “ăn đong” hàng tháng và không có khoản tích lũy phòng trừ những lúc ốm đau.
Bất cập hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Điều vô lý nữa là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại cào bằng nhau.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính
"Đồng lương đã không đủ trang trải, lại phải dành một khoản để nộp thuế khiến cuộc sống càng chật vật hơn. Tôi có theo dõi đài, báo được biết, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN. Tôi thấy đề xuất này rất hợp tình, hợp lý, đáp ứng niềm mong mỏi của người làm công, ăn lương như chúng tôi” – anh Hào cho hay.
Cũng đau đáu với các khoản chi tiêu hàng tháng, chị Phạm Thị Hải (quận Hà Đông) hiện đang phải thắt chặt các khoản chi cá nhân để co kéo cho vừa với thu nhập. Chị Hải cho hay, trước kia đi chợ chỉ cầm 200.000 đồng đi là đã mua được bữa cơm tươm tất cho cả gia đình. Nhưng nay giá cả leo thang, mức lương chỉ vừa vặn với sinh hoạt cơ bản.
“Quy định hiện nay mức thu nhập trên 17 triệu đồng phải nộp thuế TNCN. Dù tôi được giảm trừ gia cảnh dành cho con là người phụ thuộc nhưng trong lúc tiền lương không đủ chi tiêu, việc nộp thuế TNCN trở thành gánh nặng với gia đình” – chị Hải bộc bạch.
Trước đó, cử tri nhiều tỉnh, thành như: Bình Thuận, Quảng Ninh, Hà Nam... cũng cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp, cần nâng và điều chỉnh theo thời gian. Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh năm 2023 thực hiện theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 với mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng áp dụng cho người nộp thuế.
Mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng áp dụng với mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế. Trước đó, từ năm 2009 đến nay mới có 2 lần điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Cụ thể mức giảm trừ gia cảnh năm 2009 áp dụng với bản thân người nộp thuế và mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng; đến năm 2013, mức giảm trừ gia cảnh nâng lên là 9 triệu đồng/tháng và 3,6 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS chỉ ra: Trong 10 năm, tính từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần.
Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được một lần vào giữa năm 2020. Khi thay đổi thuế TNCN, cần phải đề cập và tính toán luôn các khoản giảm trừ làm cơ sở tính khoản thu nhập chịu thuế của người lao động.
Chính sách cần điều chỉnh linh hoạt, bám sát đời sống
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN. Đa phần các ý kiến đều cho rằng cần điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với diễn biến giá cả thị trường, tránh để người lao động chịu thiệt thòi.
Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cho mỗi người phụ thuộc sẽ phản ánh kịp thời những sự thay đổi về chi phí sinh hoạt của người nộp thuế tại thời điểm Luật thuế TNCN (sửa đổi).
Thu nhập khả dụng của người dân sẽ tăng lên, qua đó, sẽ góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người nộp thuế TNCN.
Luật Thuế TNCN sửa đổi 2012 quy định, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm, với người làm công ăn lương, giá cả chỉ cần biến động 10% đã ảnh hưởng rất nhiều đến chi tiêu hàng ngày, vì chủ yếu chi cho nhu cầu thiết yếu, mà hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thường tăng cao hơn so với mặt bằng giá cả.
Việc tính chỉ số CPI dựa trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng là bất hợp lý. Bởi những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu hàng ngày của người dân chỉ trên dưới 10 mặt hàng.
Cần điều chỉnh quy định về CPI. Khi CPI tăng 5 - 7%, tối đa 10% thì phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thay vì 20% như hiện nay. Cùng với đó, cần xác định lại rổ hàng hóa tính CPI đối với thuế TNCN sát với thực tế đời sống của người dân.
Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, cứ điều hành thuế theo lạm phát là không hợp lý, vì theo mỗi năm, mức sống của người dân lại tăng lên. Trong khi đó, các nước khác tiến tới giảm dần mức thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động, nâng cao thu nhập.
Cách tính giảm trừ gia cảnh hợp lý là phải tính giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu có tính thiết yếu. Mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, mỗi năm khi tăng lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì quy định cứng ở mức cố định.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, ở mức này, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng nếu có 2 người phụ thuộc cũng chưa phải nộp thuế TNCN.
Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân. Song trong văn bản lấy ý kiến về sửa đổi Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bên liên quan rà soát, đánh giá góp ý sửa đổi gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh…
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống của nhiều người làm công ăn lương khá chật vật, mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với sự biến động của mặt bằng giá, hay nói cách khác là đã lỗi thời, không bám sát đời sống.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng luật TGS