Đề xuất NSND được tính tương đương tiến sĩ: Cần phân biệt rạch ròi

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Mới đây, dư luận đã xôn xao nhiều ý kiến trái chiều về việc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đề xuất xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu NSND và bằng thạc sĩ được tính tương đương học vị tiến sĩ để xác định số lượng giảng viên cơ hữu.

Đã có quy định cụ thể

Ngày 6/3 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ. Tại buổi làm việc, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu NSƯT, NSND được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo.

Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Trường SKĐA Hà Nội vào ngày 6/3. 
Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Trường SKĐA Hà Nội vào ngày 6/3. 

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, đề xuất này xuất phát từ thực tế trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Quy định của Bộ GD&ĐT mỗi ngành học phải có ít nhất 5 tiến sĩ, trong khi nhóm ngành nghệ thuật lại đặc thù. Do vậy, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đề xuất công nhận tương đương không phải để giảng viên hưởng chế độ hay đào tạo sau Đại học mà chỉ để có cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm và mở ngành đào tạo.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với đào tạo Đại học, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật phải bảo đảm tối thiểu có 3 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp. Quy định này với các trường nghệ thuật là khó trong khi các NSƯT hay NSND là đội ngũ giảng viên không thể thiếu.

PGS. TS Nguyễn Đình Thi hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội tặng hoa cho các thầy chủ nhiệm trong một lễ tốt nghiệp của sinh viên nhà trường năm 2016. Ảnh: Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội
PGS. TS Nguyễn Đình Thi hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội tặng hoa cho các thầy chủ nhiệm trong một lễ tốt nghiệp của sinh viên nhà trường năm 2016. Ảnh: Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Phạm Như Nghệ, khi nhận được ý kiến đề xuất của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, ông khẳng định không thể công nhận tương đương giữa NSƯT, NSND với thạc sĩ, tiến sĩ vì hai hệ thống tiêu chí công nhận hoàn toàn khác nhau.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Phạm Như Nghệ cho hay: Tiến sĩ là học vị, là trình độ học vấn một người có thể đạt được sau khi đã đạt những tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học và học thuật, còn NSƯT, NSND là danh hiệu do Nhà nước phong tặng cho người có đóng góp nhất định về nghệ thuật, là sự tôn vinh của nhân dân đối với nghệ sĩ đó. “Chính vì vậy, một NSND chưa chắc đã có thể thi đỗ tiến sĩ. Đối với giảng viên là NSND, nếu chưa có trình độ từ tiến sĩ trở lên thì không thể tham gia đào tạo tiến sĩ. Thậm chí, với một ngành, để đào tạo tiến sĩ, phải có tỷ lệ nhất định giảng viên là Phó Giáo sư, Giáo sư” – ông Phạm Như Nghệ chia sẻ.

Thực tế hiện nay, đối với việc quy đổi trình độ giảng viên trong xác định chỉ tiêu, Thông tư 03 ban hành năm 2022 của Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ. Giảng viên, trợ giảng là NSƯT, NSND, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân được Nhà nước công nhận, trao tặng, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ Đại học cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ thạc sĩ. Nếu có bằng thạc sĩ sẽ được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Trong quy đổi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã có quy định rất rõ về vấn đề này. Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội giải thích đề xuất công nhận tương đương giữa NSƯT, NSND với thạc sĩ, tiến sĩ để nhà trường xác định chỉ tiêu đào tạo, nhưng dư luận khó có thể chấp nhận câu trả lời này. Còn nếu mục tiêu đề xuất để mở ngành thì trong Quy chế, Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ trình độ của đội ngũ giảng viên với mỗi ngành/khoa, không có chuyện quy đổi sang ngang để mở ngành vì cơ sở đào tạo phải đảm bảo trình độ học vấn của giảng viên theo yêu cầu của Quy chế.

Đề xuất trong phạm vi nhất định

Về nguyện vọng cần phải có đội ngũ NSND, NSƯT tham gia vào hoạt động giảng dạy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội Nguyễn Đình Thi chia sẻ: “Giảng viên có học vị đạt tiêu chuẩn là quá tốt. Tuy nhiên trên thực tế, nhà trường cần các NSND, NSƯT là những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để hướng dẫn cho sinh viên làm nghề. Đề nghị tính tương đương là để các nghệ sĩ có danh hiệu được tham gia vào quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Dĩ nhiên, những NSND, NSƯT không tham gia vào các hội đồng chấm luận văn, luận án để đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT”.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thi đề xuất này chỉ áp dụng trong phạm vi để có đủ điều kiện số lượng giảng viên cơ hữu mở mã ngành đào tạo của khối nghệ thuật chứ không giữ vai trò là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo. Đồng nghĩa ở các hội đồng chấm luận văn, luận án phải là những người có học vị đáp ứng đúng tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thành viên tham gia trong đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho biết: “Đây là đề xuất có thể lưu tâm, xuất phát từ thực trạng đào tạo đặc thù của ngành nghệ thuật. Tuy nhiên, để khai thác tài năng của NSND, NSƯT, nên mời họ tham gia vào quá trình đào tạo đại học ở bậc cử nhân. Ở đó, có những phần kiến thức thiên về kỹ năng biểu diễn, rất cần tới kinh nghiệm của họ. Đặc biệt ở bối cảnh Việt Nam, với nhiều loại hình nghệ thuật liên quan đến diễn xuất, nhất là nghệ thuật truyền thống, đội ngũ NSND, NSƯT có thể có những đóng góp nhất định đối với việc đào tạo đội ngũ kế cận".

Sự khác biệt này cần có sự phân biệt rạch ròi, tránh để tính hàn lâm, lý thuyết của bậc học tiến sĩ bị ảnh hưởng bởi tính kinh nghiệm, kiến thức thực tế của nghệ thuật biểu diễn làm lu mờ. Đào tạo tiến sĩ là đào tạo lý thuyết, cần phải biết áp dụng lý thuyết, sử dụng phương pháp nghiên cứu. Làm luận án là thực hiện một công trình khoa học, ở đó việc áp dụng lý thuyết, sử dụng phương pháp khoa học để phân tích một vấn đề thực tiễn, trong khi NSND, NSƯT thiên về thực hành.