Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất phương án mới về rút bảo hiểm xã hội một lần

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các chuyên gia, người lao động đề xuất phương án những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) từ trước thì được rút BHXH một lần như hiện nay; người tham gia sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thì nên chia ra các trường hợp để có quy định phù hợp...

2 phương án đều có ưu, nhược điểm

Sau 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, cả nước có khoảng 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó gần 1,3 triệu người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH, chiếm gần 28% tổng số người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016 – 2022.

Sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cả nước có khoảng 4,5 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh minh họa.
Sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, cả nước có khoảng 4,5 triệu người rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh minh họa.

Để hạn chế số người rút BHXH một lần, Chính phủ đã có trình Quốc hội Dự án Luật BHXH (sửa đổi), với 2 phương án:

Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau: Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Ủy ban xã hội của Quốc hội đã có Báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật BHXH (sửa đổi), cho biết về hai phương án BHXH một lần, hiện có nhiều loại ý kiến khác nhau. Có những ý kiến nghiêng về phương án 1, lại có các ý kiến cho rằng nên lựa chọn phương án 2. Lại có những ý kiến chưa đồng ý với cả hai phương án vì: Phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần; phương án 2 cho rút 50% là không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động là tiền của người lao động...

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, mỗi phương án Chính phủ trình đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Vì đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài cho nên cần tiếp tục rà soát và cân nhắc thêm các phương án khác để đề xuất phương án theo hướng đảm bảo tốt nhất, quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia BHXH nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng – hưởng, có chia sẻ của BHXH.

Phương án 3 - sự kết hợp của hai phương án đề xuất

Nhiều người lao động khác cảm thấy không thoải mái với 2 phương án hưởng BHXH một lần bởi bị hạn chế các quyền hơn trước. Nhất là phương án 2, khả năng cao sẽ xảy ra tình trạng từ nay đến lúc Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, người lao động sẽ ồ ạt đi rút BHXH một lần, phương án 1 sẽ ổn định tình hình hơn phương án 2 vì chỉ ảnh hưởng với các trường hợp tham gia BHXH sau này. Từ những phân tích này, anh Nguyễn Hoàng Long – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam đề xuất phương án 3 là sự kết hợp của 2 phương án Chính phủ đã trình Quốc hội:

- Với người lao động tham gia BHXH từ trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thì giữ nguyên quy định như hiện nay.

- Đối với người lao động tham gia BHXH sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thì nên chia ra các trường hợp: Người lao động mới tham gia BHXH dưới 5 năm mà dừng, không có nhu cầu đóng BHXH nữa thì cho rút toàn bộ; người lao động tham gia BHXH từ 5 - 10 năm thì cho rút 70%;  người lao động tham gia BHXH từ 10 - 15 năm thực hiện như phương án 2 mà Chính phủ đề xuất; người lao động tham gia BHXH từ 15 năm trở lên thì không rút, mà chờ đến tuổi nghỉ hưu với tỷ lệ hưởng hợp lý.

Nhiều ý kiến đề xuất phương án 3 về bảo hiểm xã hội một lần là sự kết hợp của cả 2 phương án Chính phủ trình Quốc hội. Ảnh minh họa.
Nhiều ý kiến đề xuất phương án 3 về bảo hiểm xã hội một lần là sự kết hợp của cả 2 phương án Chính phủ trình Quốc hội. Ảnh minh họa.

Chị Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty May Liên doanh Plummy cho rằng, khi xác định tham gia BHXH thì cả người sử dụng lao động và người lao động đã phải trích một khoản tiền nhất định để nộp vào Quỹ BHXH; đồng nghĩa với họ đã hoàn thành nghĩa vụ đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Khi người lao động nghỉ việc vì một lý do nào đó, không đi làm và không tham gia bảo hiểm nữa và muốn rút BHXH một lần thì nên để quyền quyết định này cho họ.

Từ việc đưa ra 3 nguyên nhân khiến hàng loạt người lao động rút BHXH một lần (khó khăn về việc làm, thu nhập không đủ chi trả sinh hoạt gia đình, chính sách BHXH chưa thực sự thu hút người lao động) chị Phương Anh đề xuất phương án 3 về BHXH một lần là vẫn thực hiện như luật hiện hành.

Một số chuyên gia lao động không hoàn toàn nhất trí với 2 phương án BHXH một lần mà Chính phủ trình Quốc hội, bởi mỗi phương án có ưu, nhược điểm khác nhau. Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, nếu có phương án kết hợp cả hai phương án Chính phủ đề xuất thì rất tốt. Ngoài ra, ngành BHXH cần minh bạch thu chi, đầu tư tiền Quỹ có lãi... sẽ tạo cho người lao động sự an tâm để không rút BHXH một lần. Và cũng cần có chính sách tín dụng cho người lao động được vay với lãi suất ưu đãi hoặc không tính lãi giúp vượt qua gia đoạn khó khăn.

Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH lại đề xuất chính sách xã hội đối với những trường hợp muốn rút BHXH một lần. Tức là khi người lao động mất việc làm thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH và được nhà nước hỗ trợ tiền để chi tiêu trong những ngày khó khăn để quay trở lại thị trường lao động.