Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất Quốc hội không giao Bộ GD&ĐT biên soạn, xuất bản sách giáo khoa

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lợi nhuận từ bán sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) hàng năm đều tăng, mức chi chiết khấu phát hành lên tới 25% nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD) liên tiếp báo lỗ.

Ảnh minh họa
Bộ GD&ĐT độc quyền, khép kín
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UBVH-GD-TN-TN&NĐ) đã có đề xuất với Quốc hội xem xét tách việc biên soạn, xuất bản SGK GDPT ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục.
Đề xuất này xuất phát từ kết quả khảo sát một số nội dung trong thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành SGK GDPT giai đoạn 2012 - 2017 do Đoàn khảo sát của UBVH-GD-TN-TN&NĐ Quốc hội thực hiện.
Kết quả cho thấy, thời gian qua, việc xuất bản SGK GDPT thực hiện theo đúng quy trình: Bản thảo sau khi được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt sẽ giao cho NXBGD Việt Nam tổ chức xuất bản, in và phát hành.
Theo Phó Chủ nhiệm UBVH-GD-TN-TN&NĐ Quốc hội Hoàng Thị Hoa, qua khảo sát cho thấy dư luận rất băn khoăn cho rằng việc Bộ GD&ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành.
Việc chỉ có duy nhất 1 đơn vị được giao tổ chức xuất bản SGK dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền gây hạn chế cạnh tranh, hạn chế việc thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát hành, đáp ứng yêu cầu lựa chọn của người tiêu dùng.
Không chỉ thế, việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK.
Chiết khấu phát hành tới 25% nhưng vẫn kêu lỗ
Hoạt động in, phát hành SGK GDPT trong những năm qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Việc in SGK GDPT được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của NXBGD Việt Nam và những tên sách có số lượng in thấp. Theo số liệu của NXBGD Việt Nam, tỷ lệ đấu thầu in trong năm 2016, 2017 là khoảng 70%. Điều này cho thấy hoạt động in SGK GDPT còn khép kín, tính cạnh tranh chưa cao,... Cũng như, có thể dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.
Sản lượng in SGK GDPT những năm gần đây rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2017 đã in 107.807.120 bản sách/tổng sản lượng 312.000.000 bản in xuất bản phẩm cả nước, chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giá dục lên đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc.
Doanh thu từ bán SGK GDPT những năm gần đây khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận từ SGK hằng năm tăng, cụ thể năm 2016 là 72 tỷ đồng, năm 2017 150,8 tỷ đồng. Mức chi chiết khấu phát hành SGK GDPT 25% (khoảng 250 tỷ đồng/năm) là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh, giáo viên. Đồng thời, mâu thuẫn với việc NXBGD Việt Nam báo lỗ liên tiếp 3 năm gần đây. Về vấn đề này UBVH-GD-TN-TN&NĐ Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT làm rõ. Tuy rằng, giá bán bộ SGK thấp, nhưng đi kèm là hệ thống sách bài tập in sẵn và tài liệu bổ trợ có giá tương đương hoặc cao hơn. Nếu tính cả số tiền mua sách bài tập và tài liệu bổ trợ, phụ huynh, giáo viên phải trả số tiền gấp đôi hoặc hơn nữa.
Sách VNEN thí điểm nhưng đắt gấp 4 lần SGK GDPT...
Phó Chủ nhiệm UBVH-GD-TN-TN&NĐ Quốc hội Hoàng Thị Hoa cũng thông tin, việc xuất bản, in, phát hành sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (CNGD) còn nhiều bất cập. Tuy là sách thí điểm, nhưng hằng năm sản lượng in, phát hành sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD tăng đột biến. Năm 2017 sản lượng in, phát hành tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD là 5.307.733 bản (khoảng 5% SGK GDPT 2000), tăng gần 13 lần so với năm 2012. Sách VNEN là 10.793.844 bản (khoảng 10% SGK GDPT 2000), tăng gấp 5 lần so với năm 2014.
Giá bán một bộ sách VNEN cao gấp 4 lần giá một bộ SGK GDPT 2000 đối với sách lớp 3 và lớp 4; gấp 3 lần đối với các lớp 5, 6 và 7. Nếu tính tổng giá tiền bộ SGK 2000 có sách bài tập và sách bổ trợ kèm theo thì giá bộ sách VNEN gấp khoảng 1,6 lần. Ngoài ra, do sách VNEN còn thiếu một số môn nên học sinh học sách VNEN ngoài việc phải chi số tiền rất cao cho bộ sách hướng dẫn học, còn phải chi thêm tiền mua các môn còn thiếu của SGK GDPT 2000, làm tăng gánh nặng chi phí của phụ huynh học sinh và giáo viên.
Trước những tồn tại này, UBVH-GD-TN-TN&NĐ Quốc hội kiến nghị với Quốc hội xem xét tách việc biên soạn, xuất bản SGK GDPT ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục. Đối với Bộ GD&ĐT chỉ đạo, triển khai tổng kết, đánh giá việc biên soạn, in, phát hành, sử dụng SGK, sách bài tập, tài liệu tham khảo, mô hình thí điểm VNEN và thực nghiệm tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD, trên cơ sở đó kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về SGK, sách bài tập và tài liệu tham khảo, về thí điểm, thực nghiệm trong giáo dục.