Đề xuất chi thu nhập tăng thêm
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Trưởng Ban soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), để góp phần chuẩn hóa, tăng tính liên thông và chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp, Điều 16 quy định cán bộ, công chức được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức không phân biệt ở các cấp chính quyền.
Tương tự như chính sách đặc thù đang áp dụng đối với TP Hồ Chí Minh, dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý...
Các nội dung này đang thu hút được sự quan tâm lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Rất nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.
Thẩm tra Dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18), Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) thì việc chi thu nhập tăng thêm tuy được khuyến khích đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách nhưng vẫn mới chỉ được xác định là cơ chế thí điểm. Do đó, nếu quy định nội dung này trong dự thảo Luật để áp dụng ổn định, lâu dài thì cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), luật gia Lê Trung Đức - Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ cho biết, đa số hội viên đề nghị chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn với tổng mức chi gấp đôi (tăng 100%) quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Vì lộ trình cải cách tiền lương chung của Nhà nước chưa đạt được mục tiêu đề ra, tốc độ điều chỉnh tiền lương và mức điều chỉnh tiền lương còn hạn chế. Trong khi đó, nhìn chung thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hà Nội còn thấp, đa số thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài Nhà nước, nhưng khối lượng công việc hàng ngày rất nhiều, chi tiêu sinh hoạt và các khoản chi phí khác tại thành phố khá đắt đỏ, cao nhất nhì toàn quốc…
Theo TS Nguyễn Ngọc Bích (Trường Đại học Luật Hà Nội), quy định TP Hà Nội được quyết định việc trả lương cao hơn để có thể thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố là cần thiết vì điều này không chỉ giúp Hà Nội thu hút được lực lượng lao động có chất lượng tốt mà còn đáp ứng yêu cầu thực tế.
So với các địa phương trong cả nước, mức chi phí của Hà Nội đắt đỏ hơn, các nhu cầu trong sinh hoạt và làm việc cũng cao hơn. Ngoài ra, các mức chi trả này cũng dựa trên khả năng thực tế Hà Nội có thể bảo đảm được. Nếu mức lương hoặc thu nhập không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, Hà Nội khó giữ ổn định được lực lượng lao động trong khu vực công. Thu nhập thấp cũng dễ làm nảy sinh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Thảo luận tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới thống nhất, đồng tình với quy định tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức của Thủ đô. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội băn khoăn, trong điều chỉnh này không nói về lực lượng vũ trang. Lực lượng vũ trang bảo vệ Thủ đô là Bộ Tư lệnh Thủ đô và Công an TP Hà Nội thì rất lớn nhưng không điều chỉnh trong luật này…