Ngày 20/5, buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật và hoạt động Công đoàn” được báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công thương Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của gần 300 công nhân, viên chức, người lao động.
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm thêm không quá 200 giờ trong 1 năm và không quá 40 giờ trong 1 tháng. Tuy nhiên, hiện tại giá cả tiêu dùng, điện, nước tăng kéo theo các dịch vụ tăng làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người lao động. Mức lương hiện tại không đủ chi trả cho cuộc sống thường ngày, vì thế nhiều công nhân mong muốn làm thêm giờ và đặt ra câu hỏi: Làm thêm như thế nào để không vi phạm luật?
Về việc này, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng rất chia sẻ với những vất vả của công nhân lao động trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. “Chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến và đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền về mong muốn làm thêm giờ của người lao động. Tuy nhiên, theo Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 1 Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số làm thêm giờ đã được tăng lên. Theo đó, DN được phép huy động người lao động làm thêm tối đa 300 giờ/năm, không quá 60 giờ trong 1 tháng”.
Hiện nay có tình trạng người lao động nghỉ việc rút bảo hiểm xã hội một lần vì khi chờ đến tuổi nghỉ hưu thì rất lâu mà lương hưu rất thấp, theo cách tính tỷ lệ % bình quân như hiện nay. Để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong đó đề xuất giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Cùng với việc đồng ý giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, tại buổi Đối thoại, người lao động đề xuất phương án quy định mức trần lương hưu tối thiểu khi nghỉ hưu như quy định mức lương tối thiểu vùng cho người lao động. Để sau nhiều năm làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động về già có lương hưu bảo đảm điều kiện sống tối thiểu, cũng như giúp họ gắn bó hơn với hệ thống bảo hiểm xã hội.
Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng cho rằng đây là nguyện vọng rất chính đáng của người lao động. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tới đây trình Quốc hội cũng sẽ có sự điều chỉnh, tuy nhiên theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Do đó, phương án giảm quy định điều kiện để được hưởng lương hưu xuống 15 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ cần tính toán làm thể nào để người lao động khi về hưu có mức lương hưu đảm bảo cuộc sống. Ông Dưỡng cho biết, vấn đề người lao động đề xuất, chúng tôi sẽ tiếp thu và gửi các cơ quan chức năng để có thể đưa vao nội dung sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sắp tới.
Về đề xuất có mức trần lương hưu tối thiểu, Luật sư Nguyễn Văn Hà – Đoàn Luật sư TP Hà Nội phản hồi: Hiện nay, mong muốn của người lao động đều là có mức lương cao, nộp tiền bảo hiểm thấp, đóng 15 năm được hưởng chế độ lương hưu, đó là nguyện vọng chính đáng.
Tuy nhiên, hiện nay rất khó có thể để quy định mức trần hưởng lương hưu như người lao động mong muốn. Bởi các công ty trả lương khác nhau, mức đóng bảo hiểm xã hội khác nhau, thời gian đóng không giống nhau. Nhà nước cũng đã có quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu vùng để các DN đóng cho người lao động.
Luật sư Nguyễn Văn Hà khuyến cáo người lao động không nên rút bảo hiểm xã hội một lần. Bởi vì chúng ta đóng bảo hiểm xã hội thấp, khi rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ được ở mức thấp, trong khi đó các quyền lợi liên quan sẽ không được hưởng.
Về câu hỏi, từ ngày 1/7/2023 Nhà nước tăng lương cơ sở, vậy người lao động có được tăng lương, Luật sư Nguyễn Văn Hà cho biết: Mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng, từ ngày 1/7/2023 sẽ tăng lên thành 1.800.000 đồng, áp dụng trong khối đơn vị hoạt động sử dụng ngân sách của Nhà nước. Với khối sản xuất kinh doanh, việc tính lương được thực hiện qua giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, Nhà nước có quy định mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường.