Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, đây là nội dung lớn, có tác động đến toàn bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, được cử tri và dư luận Nhân dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Căn cứ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh tổng hợp và đề xuất 2 phương án.
Phương án 1, quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (kế thừa theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ).
Phương án 2, quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
“Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án 1 để báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục kế thừa quy định hiện hành để bảo vệ được nhiều tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi”- Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nhấn mạnh.
Về bổ sung quy định đấu giá biển số xe thành quy định chính thức, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với phương án đưa vào quy định trong Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, phương án này phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật là luật chuyên ngành; sẽ quy định đầy đủ, cụ thể các nội dung về đấu giá biển số xe, tạo nên sự thống nhất với các quy định khác về biển số xe như quản lý phương tiện giao thông đường bộ, cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.
Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lựa chọn phương án nêu trên.
Đối với việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh thấy rằng, quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý quá trình chấp hành luật của lái xe, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo xây dựng dự thảo về điểm của giấy phép lái xe như trong dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định các nguyên tắc về trừ điểm, khôi phục điểm. Đồng thời, giao Chính phủ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe; quy định cụ thể mức trừ điểm với các hành vi. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị sửa quy định về hình thức xử phạt bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị cần cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, quy định “nồng độ cồn bằng 0” đã hình thành văn hóa tốt, hạn chế tác hại của rượu, bia gây ra. Ông Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, với việc đa số đồng tình quy định cấm tuyệt đối, khi trình Quốc hội chỉ cần đưa ra một phương án như Chính phủ trình.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình với phương án nồng độ cồn “bằng 0” khi tham gia giao thông.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, thời gian qua, quy định này đã dần đi vào cuộc sống và hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”, làm giảm các vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia. Bên cạnh đó, giảm thiểu sử dụng rượu bia cũng từng bước giảm tác hại của rượu bia đối với khoảng 30 căn bệnh nguy hiểm và khoảng 100 căn bệnh khác có liên quan.