Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất quy hoạch một số tuyến đường sắt, lấy Hà Nội làm đầu mối

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên danh Tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải đánh giá hệ thống đường sắt khu vực Hà Nội chưa thực sự phát huy được tối đa hiệu quả.

Qua đó, cần có những điều chỉnh về quy hoạch để nâng cao chất lượng của loại hình vận tải này.

Chưa phát huy hiệu quả

Liên danh Tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải (CCTDI) vừa có báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá của tư vấn, hiện Hà Nội là đầu mối đường sắt quan trọng nhất cả nước, với 5 tuyến đường sắt nối vào đầu mối Hà Nội, trong đó có 4 tuyến nằm ở phía Bắc sông Hồng gồm đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Thái Nguyên (Quan Triều); Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Hải Phòng.

Đề xuất quy hoạch một số tuyến đường sắt, lấy Hà Nội làm đầu mối - Ảnh 1
Ảnh minh họa. 

Trong nội thành Hà Nội còn có tuyến đường sắt xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi. Đặc biệt, có 2 tuyến nối liên vận quốc tế và cùng hướng phát triển “hai hành lang, một vành đai kinh tế” là tuyến Hà Nội -Lạng Sơn - Bằng Tường (Trung Quốc) và tuyến Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc).

Tuy nhiên, vận tải đường sắt nói chung lạc hậu và tụt hậu so với xu thế chung của các nước trong khu vực, có sức cạnh tranh kém hơn các loại hình giao thông khác và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân do hầu hết là đường đơn khổ hẹp 1.000mm với ray và tà vẹt loại cũ, hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu. Các tuyến đường sắt chưa có hành lang riêng, hầu hết là giao cắt đồng mức với các tuyến giao thông đường bộ, nên tốc độ thiết kế, tải trọng rất thấp và mất an toàn cao so với các nước có hệ thống đường sắt hiện đại.

Mặt khác, các ga đường sắt ngắn, không thể lập đoàn tàu có tải trọng lớn. Các nhà ga chính hiện nay như ga Hà Nội, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Viên, Đông Anh nhỏ hẹp và có hạ tầng cơ sở lạc hậu, hạn chế do đường ga ngắn. Trong khi đó, một số các ga lập tàu hàng, tàu khách dự kiến xây dựng mới trên tuyến đường sắt vành đai như Ngọc Hồi, Bắc Hồng mới xây dựng dở dang.

Việc lạc hậu cả về hạ tầng lẫn phương tiện đang làm cho ngành đường sắt ngày càng mất ưu thế so với đường bộ. Vận chuyển đường sắt dần mất thị phần cả về hành khách và hàng hóa khi không kịp thay đổi trong khi đường bộ và hàng không đã có những bước thay đổi đáng kể và đột phá.

Nâng cao hạ tầng đường sắt

Về định hướng phát triển mạng lưới đường sắt đầu mối Hà Nội, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư cũng như phát triển ngành đường sắt, liên danh tư vấn kiến nghị, đường sắt hướng tâm cải tạo, duy trì khai thác 5 tuyến hiện có gồm: Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Thái Nguyên.

Riêng đoạn Ngọc Hồi - Ga Hà Nội, trên cơ sở kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao tại một số quốc gia trên thế giới cho thấy hầu hết đều tiếp cận vào sâu trong đô thị. Do đó, liên danh tư vấn kiến nghị giữ hành lang này để nghiên cứu phát triển khai thác tàu khách tốc độ cao tiếp cận tới ga Hà Nội.

Ngoài ra, mạng lưới đường sắt Hà Nội cũng được quy hoạch xây mới 4 tuyến trên hành lang Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh (đường sắt tốc độ cao); Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Quảng Ninh (trên cơ sở tuyến Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân); phát triển mới hệ thống đường sắt vành đai bao gồm Vành đai phía Đông kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi; Vành đai phía Tây kết nối Ngọc Hồi - Thạch Lỗi.

Trong bối cảnh mạng lưới đường sắt vẫn tồn tại nhiều loại khổ đường, tại điểm nối ray các khổ đường khác nhau sẽ thiết kế đường lồng để có thể chạy tàu cả hai khổ đường, vì thế, tư vấn đề xuất hoạch định các tuyến đường sắt hiện tại duy trì theo khổ đường lồng 1.000mm và 1.435mm đang khai thác.

Các tuyến đường sắt xây dựng mới gồm đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn sẽ chạy khổ đường 1.435mm; tuyến Vành đai phía Đông, Vành đai phía Tây, tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân sử dụng khổ đường lồng 1.000mm và 1.435mm.