Đề xuất tăng biên chế công chức phường: Đáp ứng mong mỏi bấy lâu

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thực tế ở một đô thị lớn điển hình là Hà Nội cho thấy, công chức phường thực hiện nhiệm vụ theo chính quyền đô thị gần 2 năm qua phải đảm trách khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, nên đề xuất của Bộ Nội vụ lần này đáp ứng mong mỏi bấy lâu của cấp cơ sở...

Bộ Nội vụ vừa gửi hồ sơ tới Bộ Tư pháp để thẩm định đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Đề xuất tăng 1.143 biên chế

Một nội dung quan trọng được Bộ Nội vụ đề xuất thay đổi là tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND quận, phường. Cơ quan soạn thảo này cho rằng, các nghị định hiện hành quy định biên chế công chức phường bình quân 15 người - được tính cho tổng số phường của từng quận, thị xã, TP thuộc TP. Song, quy định đó dẫn đến 3 TP không chủ động điều chỉnh được số lượng biên chế công chức phường giữa các quận, thị xã và TP thuộc TP, trong khi quy mô dân số của các phường có độ giãn cách rất lớn và khối lượng công việc không đồng đều giữa các phường. Chẳng hạn tại TP. HCM, phường có dân số thấp nhất là An Lợi Đông (TP Thủ Đức) với 1.215 người, còn phường có dân số cao nhất là Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) với 125.894 người - gấp hơn 10 lần.

Từ thực tế này, các TP đề xuất số bình quân công chức phường cần được tính cho tổng số phường của toàn TP để địa phương có căn cứ điều chỉnh số lượng biên chế công chức phường của từng quận, thị xã, TP thuộc TP hoặc của từng phường cho phù hợp. Riêng TP Hồ Chí Minh còn đề nghị xác định số lượng biên chế công chức phường theo quy mô dân số của phường, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của những phường có dân số lớn.

Bộ Nội vụ đề xuất số lượng biên chế công chức phường của TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng thêm 1.143 biên chế so với quy định hiện hành (ảnh: Công chức UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân)
Bộ Nội vụ đề xuất số lượng biên chế công chức phường của TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng thêm 1.143 biên chế so với quy định hiện hành (ảnh: Công chức UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân)

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, trong dự thảo này, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi quy định theo hướng biên chế công chức phường được xác định theo quy mô dân số, và số biên chế công chức phường được tính cho tổng số phường toàn TP. UBND TP sẽ trình HĐND cùng cấp quyết định số lượng biên chế công chức phường của từng quận, thị xã, TP thuộc TP. Căn cứ tổng số biên chế công chức phường được HĐND TP phân bố và yêu cầu, nhiệm vụ của từng phường, UBND quận, thị xã, TP thuộc TP quyết định giao cụ thể số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND mỗi phường trực thuộc cho phù hợp.

Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh không hạn chế số lượng tối thiểu và tối đa công chức của phường nhưng cũng không được vượt quá tổng biên chế công chức phường được phân bố đối với từng quận, thị xã, TP thuộc TP.

Đối chiếu với định hướng trên, phường thuộc quận mà có từ 15.000 dân trở xuống thì được tính 15 biên chế công chức, trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức. Phường thuộc TP thuộc thành phố (TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh) mà có từ 7.000 dân trở xuống thì được tính 15 biên chế công chức, trên 7.000 dân thì cứ thêm 3.500 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.

Đối với phường thuộc thị xã (thị xã Sơn Tây thuộc TP Hà Nội) mà có từ 5.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức, có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức.

Với đề xuất như đã nêu, số lượng biên chế công chức phường của 3 TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng thêm 1.143 biên chế so với quy định hiện hành là 7.035 biên chế (trung bình 15 biên chế/phường). Trong đó, 34 quận thuộc 3 TP tăng 862 biên chế, thị xã Sơn Tây thuộc TP Hà Nội tăng 10 biên chế, TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh tăng 271 biên chế.

 

"Nên sớm tính toán lại Nghị định 92/NĐ-CP và sau này đã bổ sung bằng Nghị định 29/NĐ-CP về định biên CBCC của xã, phường. Hơn nữa, vừa qua tại Hà Nội đã sáp nhập một số phường với nhau, tạo ra phường quy mô lớn. Rõ ràng do nhu cầu bức thiết, không đủ người đáp ứng khối lượng công việc nên chính quyền vẫn phải loay hoay với bài toán này".

(Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh)

Sớm giải bài toán khó cho chính quyền cơ sở

Khảo sát ở các phường thuộc quận Hai Bà Trưng - 1 trong 4 quận “lõi” của Hà Nội cho thấy, cùng với đặc thù đông dân thì nhiều phường còn có địa bàn rất phức tạp, với thành phần, loại hình dân cư đa dạng, vừa có nhiều chung cư hiện đại vừa có những khu ngõ xóm truyền thống... Vì vậy, khối lượng công việc hằng ngày phải hoàn thành của các CBCC phường rất lớn.

Điển hình tại phường loại 1 như phường Vĩnh Tuy, có quy mô vào loại lớn nhất tại Hà Nội với hơn 6 vạn dân, mỗi ngày CBCC bộ phận “một cửa” phải tiếp nhận giải quyết tới hơn 100 hồ sơ hành chính, nhưng UBND phường chỉ được định biên tối đa 15 công chức. Phó Chủ tịch UBND phường Trần Thị Minh Vân cho biết, trước đây cấp phường được tự chủ về kinh phí hoạt động và có chế độ sử dụng hợp đồng lao động, nhưng từ khi thực hiện chính quyền đô thị không còn chế độ này nữa.

Phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có quy mô vào loại lớn nhất Hà Nội với hơn 6 vạn dân, mỗi ngày CBCC bộ phận ''một cửa'' phải tiếp nhận giải quyết hơn 100 hồ sơ hành chính
Phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có quy mô vào loại lớn nhất Hà Nội với hơn 6 vạn dân, mỗi ngày CBCC bộ phận ''một cửa'' phải tiếp nhận giải quyết hơn 100 hồ sơ hành chính

“Qua nhiều lần kiến nghị, UBND phường được tăng thêm 2 người, đã có tổng cộng 17 công chức, nhưng vì đã phải rút bớt hợp đồng lao động nên các công chức phải kiêm nhiệm rất nhiều việc, trong khi chế độ đãi ngộ chưa có gì khác so với tổ chức chính quyền trước đây. Kể cả đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, với 3 chức danh thì trước đây có 3 cán bộ nhưng nay chỉ có 2 cán bộ, nên rất khó khăn khi triển khai nhiệm vụ, nhất là hiện nay các cơ quan chuyên môn triển khai mọi công việc đều yêu cầu tiến độ rất gấp. Do đó, chúng tôi vẫn hằng ngày mong mỏi được bổ sung thêm biên chế, thêm người làm” - bà Trần Thị Minh Vân bày tỏ.

Từ thực tế địa phương, Chủ tịch UBND phường Phố Huế Phan Bá Tường cho hay, khối lượng công việc ngày càng lớn từ khi phường chuyển mô hình quản lý sang chính quyền đô thị, trong khi thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống đã khiến khối hành chính sự nghiệp có nhiều CBCC xin thôi việc để ra ngoài làm. “Áp lực công việc rất lớn ở tất cả các mảng, nhưng số CBCC giảm đi, mà không có thu nhập tăng thêm. Đã có trường hợp CBCC phường xin chuyển công tác để có mức thu nhập khá hơn, đảm bảo chi tiêu. Vì vậy, nguyện vọng của CBCC cơ sở là bên cạnh có thu nhập tăng thêm và tăng phụ cấp so với trước thì cần sớm bổ sung biên chế, nhất là cho những phường có khối lượng công việc lớn”- ông Tường nói.

Tại quận Long Biên, Trưởng Phòng Nội vụ Nguyễn Thị Thu Hằng cũng cho biết, tại hầu hết UBND phường thuộc quận đang thiếu công chức, trong khi khối lượng và áp lực công việc lớn, đãi ngộ thấp, nên đã xuất hiện công chức và người hoạt động không chuyên trách xin nghỉ việc.

Chia sẻ thực tế này, lãnh đạo phường Thạch Bàn phản ánh, quy mô dân số khác nhau giữa các (có phường hơn gấp đôi) trong khi có giới hạn số công chức, đang là một bất cập lớn ở cơ sở. Vì vậy, lãnh đạo phường đề xuất các cấp sớm có giải pháp bổ sung biên chế cho phường. Hơn nữa, việc ký hợp đồng lao động tại phường (bảo vệ, tạp vụ, hỗ trợ chuyên môn) cũng cần được quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, bởi không tránh khỏi CBCC ốm đau, thai sản... gây vướng mắc đến người thay thế trong thời gian nghỉ; hoặc khối lượng công việc quá lớn cần hỗ trợ trong khi công việc không cho phép đình trệ, mà cơ chế hợp đồng thiếu nguồn ngân sách.

Nhận định về vấn đề nan giải này của các TP lớn trong đó có Hà Nội, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh rất cần sớm định biên lại cho rõ đối với cấp phường, không nên máy móc. Thực tế có nhiều phường rất đông dân, cán bộ cơ sở phản ánh từ khi thực hiện chính quyền đô thị thì khối lượng công việc tăng rất nhiều, trong khi số CBCC không được bổ sung nhưng chưa được hưởng thêm ưu đãi gì. Đây là bài toán cần nhanh có lời giải tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

“Không thể máy móc mà phải căn cứ vị trí việc làm để định biên lại cho rõ, theo đặc thù, nhất là với những đơn vị thuộc đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có trên dưới 1 vạn dân. Do khối lượng dân cư và khối lượng giao dịch quá lớn, kể cả một phường được tối đa định biên công chức theo quy định cũng không thể đáp ứng được, nhất là với những phường lớn tới 6 - 7 vạn dân. Song song đó, các đô thị lớn vẫn đòi hỏi được xem xét một cách đồng bộ. Một vị trí cần 3 người thì phải cho 3, nhưng thực tế nhiều nơi hiện chỉ cho 1 người, cũng đã có những vị trí được 2 người song vẫn không đủ đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy, cần tính vị trí việc làm và khối lượng công việc, sau đó đến chuyện cho hưởng lương” - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm.

Rõ ràng, từ thực tế ở một đô thị lớn điển hình là Hà Nội cho thấy, đội ngũ CBCC thực hiện nhiệm vụ theo mô hình chính quyền đô thị từ gần 2 năm qua đã phải đảm trách khối lượng công việc tăng lên rất nhiều. Sau bao lần các CBCC cơ sở bày tỏ tâm tư và nêu kiến nghị tăng định biên cho khối phường, thì đề xuất sửa đổi các nghị định liên quan của Bộ Nội vụ lần này đã đáp ứng mong mỏi bấy lâu của cấp cơ sở, nhất là với những phường có quy mô dân số và diện tích lớn. Cán bộ cơ sở đang tiếp tục mong chờ đề xuất của Bộ Nội vụ sớm được chấp thuận, để góp phần quan trọng gỡ được “nút thắt” bấy lâu ở chính quyền phường, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.