Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất tăng lương tối thiểu 10%

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 thì các chuyên gia, cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động (NLĐ) kiến nghị mức tăng lương tối thiểu 10% để công nhân bớt cực khổ.

Cần tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022

Phiên họp đầu tiên trong năm 2022 của Hội đồng tiền lương Quốc gia được tổ chức chiều 28/3 mang tính chất thăm dò các bên và chưa đưa ra phương án, mức tăng lương cụ thể. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ làm việc tại DN từ ngày 1/7/2022. Bởi tiền lương tối thiểu được điều chỉnh từ ngày 1/1/2020 đến nay vẫn giữ nguyên, với vùng I là 4.420.000 đồng, vùng II là 3.920.000 đồng, vùng III là 3.420.000 đồng và vùng IV là 3.070.000 đồng.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc tại DN từ ngày 1/7/2022. Ảnh: Phạm Hùng.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc tại DN từ ngày 1/7/2022. Ảnh: Phạm Hùng.

Thông tin về cuộc sống của NLĐ trong hai năm qua, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Năm 2020 và năm 2021, lương tối thiểu của NLĐ không tăng trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng dẫn đến thu nhập thực tế của công nhân giảm khoảng 10% so với năm 2019. NLĐ phải tiết kiệm các khoản chi tiêu, sử dụng khoản tích lũy ít ỏi để đương đầu với những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống hằng ngày. Không những vậy, công nhân lao động còn lo lắng, bất an trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, các khoản chi phí phát sinh (khám chữa bệnh, xét nghiệm phòng dịch cho bản thân và gia đình,…). Do vậy, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, NLĐ, việc tăng lương tối thiểu sẽ giúp NLĐ có thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt; DN tăng chi phí nhưng giữ được nguồn nhân lực, trong tình hình khan hiếm lao động hiện nay.

Để có cơ sở điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, từ ngày 1/4/2022, Bộ LĐTB&XH sẽ tiến hành điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu của NLĐ tại 2.000 DN thuộc nhiều nhóm ngành nghề của 18 tỉnh, TP đại diện cho 8 vùng kinh tế. Trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 khiến mọi người  băn khoăn về việc liệu có thể thực hiện được? Về việc này, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam Vũ Minh Tiến cho rằng, việc Bộ LĐTB&XH điều tra, khảo sát tiền lương, mức sống của NLĐ chỉ là một kênh thông tin đầu vào, bởi theo quy định của Bộ luật Lao động, điều chỉnh tiền lương tối thiểu dựa vào nhiều yếu tố khác. Không thể vì lý do chậm trễ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước hay lấy lý do vướng mắc thủ tục hành chính để bắt NLĐ phải chờ đợi tới năm sau mới tăng lương. Đặc biệt, chúng ta đã có những cơ chế linh hoạt để giải quyết các tình thế thực tiễn trong bối cảnh Covid-19.

Hiện nay Tổng LĐLĐ Việt Nam đang điều tra về tiền lương, thu nhập và mức sống của NLĐ. Kết quả sơ bộ cho thấy tổng thu nhập của NLĐ rất thấp, họ phải làm thêm giờ rất nhiều mới có lương tạm đủ sống. Họ sẽ rơi ngay vào ngưỡng túng quẫn khi không làm thêm giờ. Không chỉ vậy, một số chế độ phúc lợi xã hội, nhiều DN không tăng mà còn cắt giảm. Đặc biệt, ngay trong quý I/2022 và dự báo cả năm 2022, giá tiêu dùng, sinh hoạt tăng rất cao (CPI của quý I đã gần 2%) trong khi tổng thu nhập của NLĐ thấp khiến cho cuộc sống rất khó khăn.

Mức tăng lương tối thiểu 10%

Nhiều năm là thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính tính toán dựa trên các chỉ số, mức tăng lương tối thiểu thấp nhất phải là 10%. Và, cần phải tăng gấp, chứ không chờ đến 1/1/2023, vì đã 2 năm (2020 và 2021) NLĐ chưa được tăng lương. Theo ông Mai Đức Chính, đề xuất mức tăng 10% là đã có sự chia sẻ giữa hai bên (NLĐ và DN). Còn nếu không tăng lương tối thiểu vùng năm nay, để tới năm 2023 mới thực hiện thì mức tăng sẽ cao hơn, DN không chịu nổi.

Các chuyên gia, cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động kiến nghị mức tăng lương tối thiểu 10% để công nhân bớt cực khổ.
Các chuyên gia, cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động kiến nghị mức tăng lương tối thiểu 10% để công nhân bớt cực khổ.

Theo tính toán của Tổng LĐLĐ Việt Nam, lương tối thiểu cần phải tăng lên khoảng 10% ngay từ bây giờ để “trả nợ” cho khoảng thời gian không kịp điều chỉnh. Với quan điểm cá nhân, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam Vũ Minh Tiến cũng cho rằng, nên điều chỉnh tiền lương tối thiểu  sớm nhất và áp dụng từ tháng 1/7/2022. Ông Vũ Minh Tiến tính toán các chỉ số như năm 2021 và dự báo của 6 tháng đầu năm 2022: Năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, cộng với khả năng chi trả của DN, cầu lao động rất lớn, mặt bằng giá cả lao động tăng, khuyến khích NLĐ tham gia thị trường lao động…thì mức tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 khoảng 10%.

Hiện nay giá xăng dầu thế giới biến động rất mạnh, tác động đến giá cả sinh hoạt của người dân tăng lên rất cao. Cộng với thực tế, hai năm qua, công nhân không được tăng lương, trong khi giá các đồ thiết yếu tăng nhiều, chi phí cho phòng chống dịch bệnh lớn. Vì thế các công nhân từng ngày mong mỏi được tăng lương. “Trước đây, hai vợ chồng đi làm công nhân, có tăng ca, chi tiêu rất tiết kiệm thì mỗi tháng để ra được 2 - 3 triệu đồng. Nhưng bây giờ, chúng tôi phải rất tằn tiện may ra mới đủ sinh hoạt hằng ngày, nếu có con trong độ tuổi đi học mẫu giáo thì chi phí còn tăng nữa. Nếu không tăng lương thì cuộc sống của công nhân vô cùng khó khăn” – Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy Hà Thị Phương Anh bộc bạch. Với tư cách vừa là Chủ tịch Công đoàn và vừa là công nhân, chị Phương Anh và nhiều NLĐ mong muốn mức tăng lương tối thiểu là 10%, áp dụng cho 4 vùng, trong đó vùng 1 tăng thêm 442.000 đồng để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Cần tăng lương để phát triển hài hòa là ý kiến của nhiều chuyên gia, cán bộ công đoàn và NLĐ. Tăng lương luôn gắn với tăng năng suất lao động. Vì thế, để NLĐ làm việc năng suất, chất lượng, hiệu quả, DN cần có cách quản lý lao động tốt cũng như quan tâm và chăm sóc về việc làm và đời sống tinh thần. Có như vậy, hai bên mới cảm thấy vui vẻ và cùng nhau làm ra lợi nhuận để phát triển DN và nâng cao thu nhập cho NLĐ.