Cuộc sống hết sức khó khăn, người lao động muốn tăng lương
Thời gian vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát, đánh giá tình hình việc làm, thu nhập, đời sống và tâm tư nguyện vọng của người lao động. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số người lao động đều muốn tăng lương tối thiểu vì cuộc sống của họ hết sức khó khăn. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã có trao đổi với báo chí về đời sống của công nhân lao động hiện nay như vậy.
Khảo sát về đời sống, thu nhập của người lao động trong tháng 10 và 11/2022 của Viện Công nhân và Công đoàn với hơn 6.000 công nhân đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể số giờ làm việc của người lao động trong khu công nghiệp. Theo đó, thời gian làm việc bình thường của người lao động giảm còn 7,25 giờ/ngày, thay vì 8 giờ/ngày và không làm thêm giờ. Số giờ làm việc giảm đồng nghĩa với mức thu nhập cũng giảm, chỉ còn 5,9 triệu đồng/người/tháng.
Tổng thu nhập gồm lương và phụ cấp lương khoảng 8,74 triệu đồng/tháng nhưng mức chi tiêu cho cuộc sống là 10,3 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức thu nhập của người lao động chỉ bằng 84% của mức chi tiêu, không đủ sống. Khó khăn về việc làm, thu nhập khiến 18% người lao động đã từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần.
Hiện nay, trước tình hình các DN thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, giảm giờ làm dẫn đến thu nhập của người lao động giảm. Thậm chí, nhiều người lao động bị mất việc do DN thiếu đơn hàng khiến cuộc sống chật vật hơn. Chia sẻ về mức lương tối thiểu vùng được thực hiện từ ngày 1/7/2022 đến nay, anh Nguyễn Hoàng Long – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam cho hay: Mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 4.680.000 đồng chỉ cao hơn mức bên thuế đưa ra để giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc một chút (mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng) nên không đủ để thuê nhà, nuôi con ăn học. Ngoài ra, kể từ ngày 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng thì các mặt hàng thiết yếu đối với đời sống người lao động đều tăng. Ngoài ra, tới đây lại tăng giá điện có thể sẽ ảnh hưởng đến giá cả (mặc dù Chính phủ giảm 2% thuế VAT), thì cuộc sống của người lao động còn nhiều khó khăn. Vì thế, rất cần phải tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, mức tăng từ 6 – 8%.
Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6%
Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm tăng mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng nhằm giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống của công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lương chưa tăng thì giá cả đã tăng. Gần đây, giá thịt lợn và nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng. Mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.
“Ở góc độ tổ chức bảo vệ người lao động, chúng tôi cũng rất chia sẻ và thấu hiểu với những khó khăn của DN. Và, chúng tôi tin rằng các DN và giới sử dụng lao động cũng hiểu được những khó khăn mà người lao động đang phải đối mặt. Lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng bao nhiêu thì thông qua đối thoại thương lượng trên tinh thần thiện chí, thấu hiểu sẽ có mức phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Người lao động muốn thời điểm tăng lương từ ngày 1/1/2024” – ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Trước những ý kiến băn khoăn về việc tăng lương tối thiểu vùng thì có DN khó khăn sẽ xoay để không phải tăng lương, ông Hiểu nghĩ rằng: Những DN có trách nhiệm xã hội, muốn đi đường dài thì chắc chắn họ sẽ tìm cách để đảm bảo tốt nhất cho người lao động. Với những DN lợi dụng chính sách, chúng ta phải có những giải pháp xử lý. Ở góc độ của tổ chức công đoàn, với những DN không đảm bảo điều kiện đời sống của người lao động thì chúng tôi sẽ lên tiếng để đấu tranh, bảo vệ người lao động.
Là chuyên gia an sinh xã hội, TS. Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH cho rằng, hiện nay, có khá nhiều DN vẫn giữ sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển nên cần tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cho người lao động bằng mức tăng năm 2022 là 6%. Nhưng có một bộ phận không nhỏ khoảng 30% DN gặp khó khăn vì không có đơn hàng hoặc bị giảm đơn hàng, công nhân thiếu việc làm; nếu tăng lương tối thiểu thì công ty gặp khó khăn, có thể dẫn đến chấm dứt hợp đồng với người lao động. Cho nên, đối với những DN gặp khó khăn, không có nguồn để tăng lương tối thiểu vùng thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ.
Trước những ý kiến kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, ngày 8/8 Hội đồng tiền lương Quốc gia cùng với các cơ quan liên quan xem xét, đánh giá thực trạng, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của DN, tốc độ tăng trưởng, thu nhập của người lao động… Qua đó, để tính toán có điều chỉnh mức lương tối thiểu vào năm 2024 hay không; nếu điều chỉnh tăng thì ở mức nào?
Theo ông Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản sau đó mới có phương án cụ thể trên tinh thần hài hòa, tạo điều kiện cho DN phát triển thì mới tạo công ăn, việc làm cho người lao động.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1/7/2022, tăng lương tối thiểu từ 180.000 – 260.000 đồng/tháng, tùy theo từng vùng. Mức lương tối thiểu vùng năm 2022 vẫn đang được áp dụng cho mức lương tối thiểu vùng năm 2023. Cụ thể:
Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng
Vùng II là 4.160.000 đồng/tháng
Vùng III là 3.640.000 đồng/tháng
Vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu giờ: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.