Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng được hưởng trợ cấp

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (12 năm) được hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc bảo lưu.

Đề nghị đánh giá tác động của quy định

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được Bộ LĐTB&XH xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý. Về mức hưởng, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp, Bộ LĐTB&XH đề xuất: mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội thị xã Sơn Tây, Hà Nội tư vấn cho người lao động về các chính sách bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Trần Oanh
Cán bộ Bảo hiểm xã hội thị xã Sơn Tây, Hà Nội tư vấn cho người lao động về các chính sách bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Trần Oanh

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN. Người lao động đóng BHTN đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động đóng BHTN đủ 144 tháng (12 năm) thì được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động đóng BHTN trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Điều này đồng nghĩa với, người lao động đóng BHTN nhiều hơn 12 năm cũng chỉ được hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp. Vì thế, khi góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Sở LĐTB&XH các tỉnh Ninh Thuận, Long An, Công ty CP Viễn thông di động Vietnammobile, AmCham Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề nghị Bộ LĐTB&XH đánh giá tác động của quy định thời gian đóng BHTN trên 144 tháng không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo; hoặc bỏ quy định này.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nếu người lao động đóng đủ 144 tháng BHTN mà không được hưởng trợ cấp thất nghiệp với những tháng đóng nhiều hơn sẽ khiến họ làm đủ 12 năm rồi nghỉ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc này sẽ tạo ra nguy cơ rút bảo hiểm xã hội một lần, gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội. Về phía DN sẽ mất đi những người lao động làm việc lâu năm hoặc người lao động sẽ phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách trợ cấp thất nghiệp. Vì thế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cho phép người lao động được đóng, hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với thời gian đóng BHTN trên 144 tháng.

Đóng BHTN mức tối thiểu nhưng hưởng tối đa

Trước những ý kiến đề nghị bỏ quy định người lao động có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng không được bảo lưu, Bộ LĐTB&XH vẫn giữ nguyên nội dung đã đề xuất. Bởi BHTN là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, tính chia sẻ rủi ro cao. Mặt khác, quy định không bảo lưu đối với thời gian đóng BHTN trên 144 tháng là kế thừa quy định hiện hành của Luật Việc làm năm 2013, đảm bảo cân đối Quỹ BHTN.

“Mục tiêu của Quỹ BHTN là muốn người lao động quay trở lại thị trường lao động một cách nhanh nhất. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ BHTN như là một giá đỡ quản trị, bộ đệm cho thị trường lao động. Nếu người lao động không quay trở lại thị trường lao động một cách sớm nhất mà cứ ngồi nhà hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì mục tiêu của Quỹ BHTN bị thất bại” – Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH Vũ Trọng Bình cho hay.

Người lao động làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Sàn Giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh
Người lao động làm thủ tục hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Sàn Giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh

Ông Vũ Trọng Bình đặc biệt nhấn mạnh, mục tiêu của Quỹ BHTN là người lao động quay trở lại thị trường lao động một cách tốt nhất và cung cầu được kết nối. Chính vì thế, Quỹ BHTN có các chế độ, đầu tiên là chế độ trợ cấp thất nghiệp để người lao động trong quá trình mất việc làm vẫn có khoản tiền đảm bảo đời sống. Thứ nữa, khi tham gia BHTN, người lao động được hưởng chính sách đào tạo nghề. Lần này, khi xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH mở rộng đối tượng được hưởng chế độ đào tạo nghề ngắn hạn, cung cấp kinh phí cho DN và người lao động học nghề.

Đối với đề xuất đối với thời gian đóng BHTN trên 144 tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc bảo lưu để hưởng chế độ lần sau, Bộ LĐTB&XH đã có tính toán, cân đối. “Nếu chúng ta được kéo dài thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp như đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì phải đóng thêm tiền. Bởi hiện nay chúng ta đóng BHTN mức tối thiểu nhưng lại hưởng tối đa; cần phải cân đối khả năng rủi ro của Quỹ BHTN. Nếu chúng ta không khống chế thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì xảy ra hiện tượng là người lao động có thể hưởng chế độ và không tích cực đi tìm việc, tham gia thị trường lao động. Đấy chính là điểm yếu và sẽ làm cho Quỹ BHTN hoạt động không đúng mục tiêu” – ông Vũ Trọng Bình giải thích.

Và một vấn đề nữa cũng được đại diện Bộ LĐTB&XH đưa ra là, người lao động hưởng số tháng trợ cấp thất nghiệp nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến Quỹ BHTN. Nếu thực hiện kéo dài thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, mở rộng chế độ đào tạo và chế độ hưởng thì phải tăng mức đóng BHTN sẽ khiến cho người lao động cũng như DN khó khăn. Do đó với những đề nghị đối với thời gian đóng trên 144 tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc bảo lưu hưởng trợ cấp lần tiếp theo, Bộ LĐTB&XH tiếp thu và bổ sung làm rõ trong các báo cáo đính kèm Hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).