Đề xuất trừ điểm trên giấy phép lái xe, liệu có khả thi?

Hoàng Hiệp
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an vừa có báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Đáng chú ý, mỗi giấy phép lái xe (GPLX) có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ mỗi điểm khi vi phạm giao thông

Văn phòng Bộ Công an cho biết, ngày 20/4, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự thảo trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV.
 Mỗi GPLX có sẵn 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ 1-6 điểm mỗi khi vi phạm giao thông.
Đáng chú ý, trong dự thảo luật này có đề xuất mỗi GPLX sẽ có sẵn 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý mỗi khi vi phạm giao thông. Điều này khiến người dân vô cùng quan tâm, kèm theo đó là những băn khoăn.
Trao đổi với báo chí, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng cách làm tương tự. 12 điểm của mỗi GPLX tương ứng với 12 tháng, là mức điểm được lấy theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng.
"Điểm không thể hiện trên GPLX mà lưu trong hệ thống dữ liệu bằng lái, điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật ngay sau khi xử phạt. CSGT khi xử lý chỉ cần tra trên máy có thể biết tài xế còn bao nhiêu điểm", Đại tá Bình nói.
Bộ Công an dự kiến quy định các nhóm hành vi tương ứng với số điểm bị trừ, ví dụ như vượt đèn đỏ sẽ bị trừ 6 điểm, lấn làn trừ 5 điểm… Giống như số tiền trong thẻ ngân hàng, trong trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì coi như GPLX đó không còn giá trị.
Theo quy định trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT, khi CSGT lập biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm bị phạt tiền và bị trừ điểm tương ứng với lỗi ghi trên biên bản, số điểm bị trừ đồng thời sẽ được cập nhật lên hệ thống dữ liệu bằng lái.
Tài xế sau khi “hết điểm” muốn cấp GPLX mới buộc phải học và thi lại trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe cũ hết hiệu lực. Điều này được cho là cách xử lý khá mạnh tay đối với những người vi phạm giao thông nhiều lần.
Trong ngày hôm nay (21/4), đề xuất trên thực sự trở thành vấn đề “nóng” trên các diễn đàn và mạng xã hội. Đa số ý kiến đồng tình và cho rằng, việc ban hành Luật Bảo đảm TTAGTT là cần thiết trong thời điểm này nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn; đồng thời góp phần nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, kéo giảm vi phạm, tai nạn và ùn tắc giao thông.
Tuy vậy, một số ý kiến vẫn lăn tăn về tính khả thi của đề xuất này:
Muốn áp dụng chế tài với người lái xe, trước tiên hệ thống cơ sở hạ tầng, biển báo, vạch kẻ đường phải chuẩn. Như hiện nay mà áp dụng ngay thì chưa thực sự hợp lý”, anh Trần Hiếu (35 tuổi trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết.
Tài khoản facebook Hoang Dinh Thai đặt câu hỏi: “Hiện tại, nhiều lỗi vi phạm nặng đã có hình thức tước GPLX. Nếu vừa tước vừa trừ điểm thì liệu có bị chồng chéo?”
“Nếu hết điểm sẽ coi như bị tước bằng lái, điều này sẽ dẫn tới việc tài xế đưa tiền để không bị lập biên bản. Thậm chí sẵn sàng đưa nhiều tiền hơn để không bị trừ điểm. Điều này không phải là tránh tiêu cực mà có thể còn tạo cơ hội để tiêu cực hơn”, tài khoản facebook Y Phạm nêu ý kiến.
Thực tế, việc trừ điểm trên bằng lái xe không hề mới, từ năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng "bấm lỗ".
Theo đó, nếu GPLX bị đánh dấu 2 lần vi phạm, tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần, GPLX hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp mới.
Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ do thiếu thẩm mỹ và việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm do không được “liên thông” với biên bản và quyết định xử phạt.