Đề xuất xây nhà dạng phòng trọ cho thuê: Không để trục lợi chính sách

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 theo hướng cho phép DN được đầu tư phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho thuê là phòng trọ, nhà trọ.

Nhiều ý kiến trái chiều về nội dung này, trong đó có sự lo ngại về việc trục lợi chính sách và cơ chế “xin - cho”.

Nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng  
Nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng  

Thiếu sản phẩm cho người thu nhập thấp

Anh Lê Văn Toản làm nghề xe ôm “công nghệ” khu vực Bến xe Nước Ngầm (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, anh đã sinh sống và hành nghề ở Thủ đô Hà Nội hơn 10 năm qua, hiện nay gia đình (gồm 4 người) vẫn đang sinh sống tại một phòng trọ xây dựng theo mô hình nhà cấp 4, lợp mái tôn, diện tích chừng 15m2, có gác xép với giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng. Nhưng vì mức thu nhập không ổn định nên gia đình vẫn phải chấp nhận ở căn phòng thiếu tiện nghi này.

“Vào mùa mưa thì phòng thấm dột, ẩm mốc; còn về mùa hè nóng nực, căn phòng không có bất cứ tiện ích gì, nhưng gia đình vẫn phải ở vì không đủ điều kiện để chi trả tiền thuê một căn phòng đầy đủ tiện ích hơn” - anh Lê Văn Toản nói.

Thời gian qua, sản phẩm nhà ở thương mại giá rẻ (giá bán dưới 25 triệu đồng/m2), NƠXH dành cho người thu nhập thấp tại các đô thị và công nhân khu công nghiệp xảy ra tình trạng khan hiếm trầm trọng; cùng với đó những sản phẩm nhà ở, phòng trọ cho thuê phục vụ đối tượng này cũng trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Theo đánh giá, việc đầu tư phòng trọ cho thuê mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư vì thị trường có nhu cầu lớn, tính ổn định cao, quan trọng hơn cả là dòng tiền ổn định hàng tháng giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro mất giá đồng tiền và không gặp nhiều ảnh hưởng khi thị trường BĐS gặp biến động.

Trong khi Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ, trong đó có nhà trọ, phòng trọ, mà không cho phép DN được đầu tư. Nhưng nắm bắt được nhu cầu của người lao động, rất nhiều DN tìm nhiều cách khác nhau để tham gia vào thị trường “béo bở” này.

Đơn cử như Công ty Lê Thành hiện đang đứng trên danh nghĩa cá nhân để đầu tư 2 tòa nhà 5 tầng tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh với 300 phòng trọ (diện tích 19m2/phòng).

Trên cơ sở đó, mới đây HoREA đã “mạnh dạn” đề xuất cho phép DN được đầu tư phát triển NƠXH cho thuê là phòng trọ, nhà trọ, với lý giải nếu luật cho phép DN đầu tư vào phân khúc này thì chất lượng, tiện ích, việc quản lý vận hành và số lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân sẽ tốt hơn.

“Kiến nghị xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 53 Luật Nhà ở 2014 theo hướng cho phép DN được đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ” - đại diện HoREA kiến nghị.

Sử dụng định chế tài chính ngân hàng

Xoay quanh nội dung đề xuất trên, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội nhấn mạnh lại đặc thù về NƠXH là sản phẩm mang ý nghĩa nhân văn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho cả nhà đầu tư và đối tượng thụ hưởng.

Trong quá trình đô thị hóa, giá nhà đất không ngừng leo thang, việc xây dựng những sản phẩm nhà ở phục vụ người nghèo, thu nhập thấp càng trở nên ý nghĩa hơn, giúp người nghèo ổn định chỗ ở, đồng thời phục vụ chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề quan ngại nhất đó là sự không lành mạnh của cơ chế “xin - cho” dễ dẫn đến việc DN trục lợi chính sách, DN thực hiện dự án NƠXH nhưng người nghèo không được thụ hưởng và quy hoạch đô thị sẽ bị “băm nát” bởi những dự án nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong các đô thị. T

heo đó, những lô đất diện tích chừng 500 - 1.000m2 cũng có thể được đưa ra để xây dựng thành dự án phòng trọ, nhà trọ cho thuê theo mô hình chung cư mini (sản phẩm vốn đã bị phản ánh nhiều trong thời gian qua vì phá vỡ quy hoạch, gây áp lực lên hạ tầng và mang đến nhiều rủi ro cho người dân do không được cấp sổ hồng).

Bởi vậy, phải có một số liệu khảo sát xã hội học cụ thể về nhu cầu hiện nay của người dân đối với NƠXH từng khu vực, đặc biệt là việc phân bố lại cơ cấu lao động căn cứ vào đó lên kế hoạch xây dựng phát triển. Vì trong 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, người lao động ở các đô thị, thủ phủ công nghiệp giảm sút đáng kể, vì không thể trụ lại được, buộc phải trở về quê hương sinh sống, nếu phát triển ồ ạt sẽ xảy ra trình trạng nơi thừa, nơi thiếu.

“Đến nay vẫn chưa có một số liệu cụ thể nào về số lượng người nghèo đang thiếu chỗ ở, hay số lượng gia đình đang phải sống trong những căn hộ 10 - 15m2 trong các khu công nghiệp, để từ đó khảo sát xem nhu cầu của họ ra sao, số lượng cần nhà ở bao nhiêu?... Tôi thấy rằng đây chỉ là đề xuất từ phía DN, chưa thấy có đề xuất của người nghèo, nên DN rất dễ trở thành đối tượng được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi cho người nghèo” - ông Trần Huy Ánh nhìn nhận.

Cũng theo ông Trần Huy Ánh, nếu chưa có số liệu nghiên cứu xã hội học về nhu cầu nhà ở của người nghèo thì nên vận hành đúng theo cơ chế thị trường vốn đã được điều tiết một cách mềm dẻo, uyển chuyển, bởi BĐS cũng là một sản phẩm hàng hóa. Đồng thời sử dụng định chế tài chính ngân hàng để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp, dùng cơ chế tài chính thay quyết định hành chính, vì định chế tài chính ngân hàng đã hoạt động tương đối tốt trong thời gian qua.

“Những người mua nhà có nhu cầu vay vốn ngân hàng đều được ngân hàng kiểm duyệt hồ sơ kỹ lưỡng, như: khai báo công việc, chứng minh thu nhập... bản chất là đã thẩm định người đó thuộc tầng lớp nào, định chế tài chính ngân hàng như vậy rất tốt, an toàn. Nhà nước thực thi chính sách hỗ trợ người nghèo chỉ cần căn cứ vào đó để thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất, cho vay ưu đãi, không nhất thiết phải đưa ra nhiều quyết định hành chính” - ông Trần Huy Ánh phân tích.

 

NƠXH là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo, thu nhập thấp. Nhưng thực tế những dự án NƠXH lại đang phục vụ người giàu, không khó để bắt gặp hình ảnh ô tô con của cư dân đậu kín quanh dự án các NƠXH, thậm chí có cả ô tô hạng sang. Như vậy, rõ ràng việc thực hiện cơ chế về nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp đang có vấn đề.

Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh

 

 

Việc phát triển NƠXH muốn bền vững, hiệu quả thì cần cải cách thể chế và tư duy quản lý. Rà soát lại hệ thống pháp luật sửa căn cơ, đồng bộ, tách bạch chức năng quản lý ra khỏi chức năng tác nghiệp để tránh vừa đá bóng vừa thổi còi. Nhà nước với vai trò quản lý, định hướng và khuyến khích mọi thành phần kinh tế có năng lực tham gia, trong đó việc thực thi cơ chế về thuế là công cụ quan trọng nhất.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần