Việc một DN đề xuất ý tưởng “lấp hồ” để xây dựng quỹ nhà tái định cư tại chỗ cho dân quả thực là không thể chấp nhận và rất phản cảm.
Dư luận mấy ngày gần đây không chỉ sửng sốt mà còn bất bình bởi “ý tưởng lạ lùng” đó bởi nó đi ngược với nỗ lực bảo vệ, tôn tạo sông, hồ của Thủ đô trong nhiều năm qua. Trước phản ứng của lãnh đạo TP và dư luận, DN phân tích “sau khi lấp đi 1ha diện tích hồ Thành Công, chúng tôi sẽ hoàn trả lại đúng 1ha tại một địa điểm khác”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra “địa điểm khác là ở đâu? Xa dân hay gần dân? Cảnh quan sinh thái nếu biến đổi ai chịu trách nhiệm?”... thì lại chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Tư duy của không ít chủ đầu tư chỉ coi sông, hồ, cây xanh là đối tượng để khai thác tận diệt, làm kinh doanh, mà quên rằng, hồ và các sinh vật cộng sinh với chính chúng ta. Tàn sát chúng là trực tiếp hạ sát môi trường là tự hủy diệt bản thân. Là một người Việt Nam , am hiểu về quy hoạch đô thị và kiến trúc, KTS. Lê Hoàng Cương - Công ty CP Kiến trúc xây dựng AA khi bàn về đề án này chỉ ngắn gọn “không khả thi và có phần phản cảm”. Hồ Thành Công chỉ khoảng 6ha diện tích mặt nước, hôm nay, nếu đề xuất lấp 1ha được hiện thực hoá thì vĩnh viễn cảnh hồ biến mất, ai dám khẳng định không thể xảy ra? Hồ Thành Công cần phải được bảo vệ nguyên vẹn, không hợp với việc dịch chuyển và khu vực Ba Đình không thể vắng bóng hồ. Hầu hết các dự án cải tạo xây dựng chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội nói riêng và Thành Công nói chung các năm qua gặp khó khăn, bế tắc chủ yếu ở khâu đền bù, GPMB, vấn đề tạm cư cho người dân. Tuy nhiên, không thể vì muốn giải một “bài toán khó” mà để phát sinh ra một “bài toán khó hơn”. Cần khuyến khích việc xê dịch đất dự án xa hơn một chút, vừa không mất đi phần chi phí lấp và tạo dựng hồ, vừa hợp lòng dân.
Còn nhớ, khi thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 2 Hà Nội, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dài 6,4km, có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, Hà Nội đã quyết định “né” cây đa hàng trăm năm tuổi án ngữ tại cổng làng Nghĩa Đô (Cầu Giấy) để bảo tồn. "Khi còn nhỏ, tôi cùng nhóm bạn vui đùa dưới gốc cây, những trò chơi dân gian, đến giờ gần đất xa trời rồi nhưng trong tâm niệm lúc nào cũng muốn cây đa mãi trường tồn với thời gian để che chở cho dân làng. Cây như linh hồn của cả khu dân cư nên việc giữ lại để bảo tồn là việc làm đúng đắn” là suy nghĩ ủng hộ 100% từ người dân trước giải pháp “thấu tình, đạt lý” của Hà Nội. Chính vì lẽ đó, khi quay lại bàn việc “lấp 1ha hồ Thành Công”, những công dân Hà thành chân chính có thể không cần quá lo lắng. Đôi khi sự xuất hiện một số đề xuất “không giống ai” cũng là một lần để chúng ta kiểm chứng tình yêu Hà Nội của mình. Bởi cuối cùng, như lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không đánh đổi môi trường vì bất cứ lợi ích kinh tế nào”.