Tương truyền đền Bạch Mã được xây dựng trong thời Bắc thuộc để thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) - vị thần bản địa của các làng cổ Hà Nội. Tới thế kỷ IX, Cao Biền sang làm thứ sử Giao Châu, đóng quân ở La thành. Sách sử ghi lại, Cao Biền dạo chơi phía Đông thành Đại La, Biền bỗng thấy dông bão mù mịt, một nhân vật kỳ dị cưỡi rồng đi trong mây, dáng vẻ rất hùng dũng. Biết gặp phải vị thần uy nghiêm, Biền liền làm bùa trấn yểm. Nhưng lỳ lạ thay, vừa làm lễ trấn yểm xong ban ngày thì đêm sấm sét nổi lên đùng đùng, tất cả bùa yểm bị đánh tan tành.
Năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Thăng Long). Trong quá trình xây kinh thành mới, nhiều lần đắp lên lại bị sụp đổ. Vua liền sai người tới đền cầu đảo, liền thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi đến đâu để vết chân đến đấy, xong xuôi ngựa quay về đền rồi… biến mất. Vua cứ y theo dấu vó ngựa mà xây thì đắp luỹ thành công.Do đó, vua kính cẩn gọi đền bằng hiệu Bạch Mã (đền ngựa trắng) và tôn thần Long Đỗ làm Quốc Đô Định Bang Thành Hoàng Đại Vương, trấn giữ phía đông Hoàng thành Thăng Long. Đây là điều rất đặc biệt vì thông thường các vị thần chỉ làm thành hoàng các làng quê nhỏ, còn thần Long Đỗ là thành hoàng một kinh thành tất có vị trí lớn và quan trọng hơn rất nhiều.Nằm cạnh sông Tô Lịch, gần bến Hà Khẩu, phong cảnh hữu tình, trải theo thời gian đền Bạch Mã trở nên một trong những chốn linh thiêng nổi tiếng bậc nhất của Hà thành. Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp sang mở mang phố xá cũng không dám đụng vào những phần đã xây. Do đó, dáng dấp ngôi đền còn lưu lại đến nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn.Cửa đền về hướng Nam, theo kiến trúc cổ truyền được bố trí hết sức hài hòa với nghi môn, phương đình, đại bái, cung cấm, thiêu hương, nhà hội đồng ở phía sau đền. Điểm nổi bật của nét kiến trúc bên trong ngôi đền là toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, bộ đỡ mái đều được làm theo đúng kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”, nét chạm khắc tỉ mỉ, chắc, khỏe đúng kiểu thời nhà Nguyễn được tô đậm.Hai bên phương đình và bên trong nhà đại bái, thiêu hương, cung cấm đều đặt các ban thờ trang trọng được chế tác tinh xảo với những tương phản đỏ -vàng và trắng - đen là sắc màu chủ đạo. Trên các xà nách, xà ngang, các vì chồng rường của đền... có nhiều mảng trang trí với các đề tài phong phú và nét chạm chắc, nhìn vào trông vững vàng.Hiện nay tại đền còn lưu giữ rất nhiều cổ vật có giá trị như: Bia đá, sắc phong, chuông đồng, kiệu rước, hương án, hạc thờ, độc bình, đôi phỗng... Đặc biệt là hình ảnh 15 tấm văn bia ghi lại những điển tích, thần thoại trong việc xây dựng đền, những nghi lễ cúng thần và các lần trùng tu tôn tạo lại đền rất chi tiết. Với hơn một nghìn năm lịch sử, đền Bạch Mã là một trong những di sản tiêu biểu của thủ đô Hà Nội. Ngày 12/12/1986, ngôi đền đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.Hàng năm, đền Bạch Mã thường tổ chức lễ hội vào ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch. Đoàn rước kiệu mặc những bộ trang phục truyền thống với nhiều màu sắc lộng lẫy. Lễ hội của đền được tổ chức với ý nghĩa tiễn mùa Đông qua và đón mùa Xuân mới. Người ta cầu cho mùa màng bội thu, người dân được sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội chính là sự dung hòa giữa văn hóa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cúng cung đình ảnh hưởng từ Đạo giáo. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, chính sự dung hòa đó đã tạo nên nét đặc sắc trong lễ hội đền Bạch Mã.Trong những ngày đầu năm, nếu có dịp bạn hãy đến phố Hàng Buồm để một lần tự tìm hiểu về Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia này.