Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đến ngày 15/12, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 633,2 tỷ USD

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12/2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước đã đạt 633,223 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 317,446 tỷ USD, nhập khẩu 315,777 tỷ USD.

 Ảnh minh họa
Kết quả này đưa cán cân thương mại của nước ta thặng dư gần 1,7 tỷ USD. Cụ thể, trong 15 ngày của tháng 12, xuất khẩu đạt 15,78 tỷ USD, trong đó có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm điện thoại, máy vi tính, máy móc, dệt may. Tính tổng từ đầu năm đến ngày 15/12 có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD gồm giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt 15,53 tỷ USD trong 15 ngày tháng 12. Trong đó có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại và linh kiện. Tính tổng từ đầu năm đến ngày 15/12 có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD. Nhóm hàng lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,9 tỷ USD. Các nhóm hàng tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải; chất dẻo nguyên liệu; sắt thép.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD, dự báo năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cả năm, Bộ Công Thương đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tập trung triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những hiệp định này. Đồng thời ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch Covid-19. Theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Cùng với việc tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN,… để tạo thuận lợi cho hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.