Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần này sẽ có chuyến thăm châu Âu, trong đó có tham dự cuộc họp khẩn với các nhà lãnh đạo Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 24/3 về vấn đề Ukraine, tuy nhiên Ukraine không nằm trong số điểm đến của chuyến đi.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 20/3 khẳng định trên Twitter rằng Tổng thống Biden "không có kế hoạch" đến thăm Ukraine trong chuyến công du châu Âu tuần này.
Chuyến đi của ông Biden hiện thu hút sự quan tâm lớn khi diễn ra vài tuần sau khi Nga tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine hôm 24/2. Bà Psaki cho biết, Tổng thống Biden sẽ "thảo luận về các nỗ lực răn đe và phòng thủ" trong hội nghị thượng đỉnh NATO và tái khẳng định cam kết của Mỹ với các đồng minh của khối.
Mục tiêu của ông Biden
Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ thảo luận những quan ngại chung về Ukraine, bao gồm các nỗ lực xuyên Đại Tây Dương nhằm áp đặt trừng phạt kinh tế lên Nga, cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực và giải quyết các thách thức khác liên quan đến cuộc xung đột, bà Psaki cho biết.
Thư ký báo chí Nhà Trắng lưu ý, Tổng thống Mỹ tin tưởng vào ngoại giao trực diện và mục tiêu của ông là gặp trực tiếp những người đồng cấp châu Âu để thảo luận về "vị trí của chúng tôi tại thời điểm này" - ám chỉ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Theo CNN, ông Biden kỳ vọng cuộc họp lần này sẽ minh chứng cho sự đoàn kết của phương Tây trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, và việc đưa ra một thông báo quan trọng có thể giúp nhấn mạnh sự hợp tác giữa các đồng minh.
CNN dẫn nguồn thạo tin cho biết, các quan chức Mỹ và châu Âu đã thảo luận về các thông báo tiềm năng các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra khi kết thúc cuộc họp.
Thông báo có thể bao gồm các vòng trừng phạt mới lên giới tài phiệt Nga, các biện pháp hạn chế tài chính và hạn chế nhập khẩu bổ sung lên ngành năng lượng từ Nga. Bên cạnh đó là các hỗ trợ tăng cường cho Ukraine, bao gồm các chuyến hàng hỗ trợ quân sự hoặc viện trợ tài chính mới để củng cố khả năng phòng thủ của Kiev.
Tuy nhiên, những hạng mục chính mà Ukraine muốn, như hỗ trợ của NATO trong việc thiết lập vùng cấm bay hoặc cung cấp máy bay chiến đấu thời Liên Xô, sẽ khó có mặt trên bàn bàn thảo.
Đầu tháng này, Lầu Năm Góc thẳng thừng phản đối kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu của Ba Lan cho Ukraine vì lo ngại bị lôi kéo vào một cuộc xung đột hoàn toàn với Nga.
"Tiến gần tới Ukraine nhất có thể"
Trên kênh truyền hình Face the Nation của CBS, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell bày tỏ kỳ vọng ông Biden sẽ "tiến gần đến Ukraine nhất có thể".
"Điều tôi kỳ vọng là tổng thống trấn an các đồng minh Khối phía Đông. Đến Brussels là được. Tới Berlin cũng được, và tôi muốn thấy ông ấy đến Romania hoặc Ba Lan hoặc đến Baltics. Họ đang ở ngay tiền tuyến và cần biết rằng chúng tôi đang cùng họ chiến đấu để giành chiến thắng," McConnell nói.
Trong một diễn biến liên quan, Nhà Trắng mới đây thông báo Ba Lan nằm trong số điểm dừng chân của Tổng thống Joe Biden trong chuyến công du châu Âu. Sau khi kết thúc điểm dừng chân ở Brussels, nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến tới Ba Lan ngày 25/3.