Dẻo thơm xôi Phú Thượng - Ảnh 1
Dẻo thơm xôi Phú Thượng - Ảnh 2

Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, ngoài giờ học, bà Tuyến còn giúp bà, giúp mẹ rửa lá gói xôi, đãi đậu, lọc gạo,... “Chính vì được bà, được mẹ chỉ bảo cho những công đoạn nhỏ nhất từ khi còn nhỏ nên tôi mới sớm thạo nghề và có thêm tình yêu để theo và duy trì nghề truyền thống này đến ngày nay”, bà Tuyến chia sẻ.

Dẻo thơm xôi Phú Thượng - Ảnh 3

Lớn lên, mỗi người một nghề, bà Tuyến lựa chọn gắn bó với nghề truyền thống của làng, của gia đình. Bà Tuyến chia sẻ, việc chọn nghề làm xôi không phải do bà không có lựa chọn khác tốt hơn. Bản thân bà là người con gái thuần nông, luôn hướng về những giá trị truyền thống, mộc mạc.

Bà tâm niệm, nghề gì cũng là nghề, bản thân chỉ cần chăm chỉ, chịu khó thì nghề làm xôi cũng có thể có kinh tế vững vàng, hơn nữa còn có thể giữ được nghề truyền thống của làng. Cứ vậy, thời gian thấm thoắt thoi đưa, đến nay, bà Tuyến đã có cho mình ngoài 40 năm gắn bó với nghề.

Để có được thúng xôi thơm, dẻo kịp vào mỗi buổi sớm, bản thân bà Tuyến phải thức giấc từ 2-3 giờ sáng mới đủ thời gian làm. Đối với nhiều người, việc dậy sớm có lẽ không đơn giản, còn với bà Tuyến, do đặc thù công việc, nên nhiều khi “đồng hồ sinh học” tự giúp bà thức giấc đúng giờ mà không cần dùng đến đồng hồ báo thức.

Dẻo thơm xôi Phú Thượng - Ảnh 4

Theo bà Tuyến, hương vị, màu sắc và chất lượng xôi là 3 yếu tố quan trọng nhất tạo nên thương hiệu món xôi ngon của làng nghề Phú Thượng. Để có một thúng xôi ngon cần thực hiện nhiều công đoạn. Đầu tiên phải chọn được nguyên liệu ngon, gồm gạo, gấc, lá nếp, lạc,... Chọn gạo buộc phải là gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy, đều; gấc chọn những quả có màu đỏ tươi, vỏ mỏng, gai nhỏ, đều và thưa; còn đối với lạc, cần lựa chọn những hạt lạc có lớp vỏ ngoài sáng, không bị mối mọt, có nhiều nếp nhăn thì sẽ ngon hơn;...

“Sau khi chọn được gạo và các nguyên liệu nấu kèm thì tôi cho gạo vào ngâm. Ngâm gạo khoảng 10 tiếng thì bắt đầu vớt ra để vo gạo sạch sẽ. Lúc này, tùy vào mình nấu loại xôi gì thì sẽ chọn nguyên liệu kèm theo để trộn lẫn với gạo”, bà Tuyến chia sẻ.

Công đoạn cuối cùng là cho gạo vào nồi thổi lên thành xôi. Trước khi đưa gạo vào nồi, bà Tuyến lưu ý, cần phải đun sôi một lượng nước nhất định. Khi sôi nước, sẽ mang bọc gạo đặt vào trong nồi để hấp cách thủy trong một thời gian nhất định.

Bà Tuyến cho rằng, mỗi công đoạn nấu xôi đều rất quan trọng, nếu không chọn được nguyên liệu tốt sẽ không làm ra được hạt xôi thơm, ngon, đẹp mắt. Còn nếu ngâm gạo quá ít thời gian cũng không đủ lượng nước ngấm vào gạo, khiến hạt gạo khi đồ sẽ không nở hết, mất đi độ dẻo quánh của hạt xôi.

Dẻo thơm xôi Phú Thượng - Ảnh 5

Theo bà Tuyến, thổi được một thúng xôi đã khó, nhưng khi bảo quản, giúp xôi giữ được nhiệt từ sáng đến trưa hoặc từ trưa đến chiều lại càng khó hơn. Khi đó, muốn giữ cho xôi có thể dẻo thơm, nóng hổi, bà Tuyến dùng những chiếc thúng có lót một một lớp chăn để ủ.

Với đôi bàn tay đã thuần thục từ nhiều năm của làng nghề xôi Phú Thượng, bà Tuyến có thể chế biến ra rất nhiều loại xôi. Nhẩm đếm, bà Tuyến cho biết, bà có thể nấu được ít nhất từ 10 – 15 loại xôi, như: xôi gấc, xôi vò hạt sen, xôi xanh, xôi tím, xôi nâu,... Đặc biệt, các loại xôi này thường có màu sắc khác nhau, nhưng được sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên.

“Xôi là món ăn trực tiếp vào cơ thể nên người Phú Thượng chúng tôi nói không với phẩm màu, hóa chất tạo màu. Thêm nữa, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được chúng tôi đặt lên hàng đầu”, bà Tuyến khẳng định.

Để có được màu xanh của xôi, bà Tuyến sử dụng lá nếp. Loại lá này sau khi mua về, đem rửa sạch rồi cắt nhỏ, sau đó cho vào máy xay lấy nước cốt để hòa vào gạo đã ngâm. Đối với xôi màu tím, bà Tuyến dùng lá cẩm. Lá cẩm rửa sạch, đun xôi lấy nước, sau đó ngâm với gạo. Tương tự, để có được nhiều loại xôi, bà sử dụng đỗ đen, vừng dừa, củ nghệ, quả gấc,... để thay đổi hương vị và màu sắc bắt mắt.

Dẻo thơm xôi Phú Thượng - Ảnh 6

Với lượng khách hàng ổn định, mỗi ngày bà Tuyến nấu từ 20-25kg gạo để bán lẻ ra thị trường. Còn với những thời điểm nhiều sự kiện, các nhà hàng, khách sạn đặt hàng, bà có thể làm đến 1 tạ gạo, tương đương với 2 tạ xôi một ngày.

Bên cạnh việc bán lẻ cho người dùng, hay bán số lượng lớn cho các nhà hàng, bà Tuyến cũng nhận làm để bán lại cho những người có nhu cầu bán xôi ở nơi khác. Những người này đa phần coi nghề bán xôi là nghề tay trái. Họ không có thời gian nấu xôi, chỉ tranh thủ bán xôi vào một thời gian nhất định như buổi chợ sáng sớm, chợ chiều để thêm nguồn thu nhập nhỏ. Đối với những khách hàng như vậy, bà Tuyến thường giao buôn với mức giá rẻ hơn bình thường để “chia đôi lãi”.

Bà Tuyến chia sẻ thêm, với nghề bán xôi, nếu làm ít thì lãi không nhiều, nhưng đối với những người làm xôi chuyên nghiệp như bà, khi đã có một lượng khách hàng lớn, ổn định thì vẫn có nguồn thu nhập khá.“Cũng có nhiều người theo tôi học làm xôi. Có những người học không cao, cũng có người đang làm công việc ổn định nhưng vẫn quyết bỏ việc để theo nghề. Nghề này chỉ cần chịu khó sớm hôm một chút thì cũng sẽ có thu nhập để trang trải cuộc sống.”, bà Tuyến kể.

Ngoài việc bán xôi trực tiếp cho khách hàng ngoài chợ, cổng trường hay tại các khu công nghiệp, theo bà Tuyến, một số “truyền nhân” của bà còn bán hàng thông qua các kênh thương mại điện tử. Điều này giúp họ có thể bán xôi cả ngày và bán được cho nhiều người hơn.

Dẻo thơm xôi Phú Thượng - Ảnh 7

Gần 6 năm kể từ khi Phú Thượng được đón nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”, những món xôi chè, xôi ngũ sắc, xôi xéo đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của Thành phố, thương hiệu xôi Phú Thượng đã được nhiều người trong nước và cả quốc tế biết đến nhiều hơn.

Xôi Phú Thượng đã được mang đi quảng bá rất nhiều nơi, rất nhiều sự kiện. Theo bà Tuyến, vinh dự lớn nhất có lẽ phải kể đến việc món ăn dân giã này được trở thành 1 trong 9 món ăn phục vụ tại Trung tâm Báo chí trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra năm 2019.

“Là một trong 2 người được mang sản phẩm xôi truyền thống này đến sự kiện để phục vụ đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế, bản thân tôi cảm thấy vô cùng tự hào. Đó vừa một vinh dự rất lớn đối với tôi nhưng cũng là vinh dự cho cả một làng nghề bởi được góp mặt trong những sự kiện trọng đại của quốc gia như vậy sẽ góp phần khẳng định và lan tỏa chất lượng và thương hiệu xôi làng Phú Thượng đến không những các địa phương trong nước mà còn cả bạn bè quốc tế”, bà Tuyến bồi hồi.

Dẻo thơm xôi Phú Thượng - Ảnh 8

Nhớ lại thời gian đó, bà Tuyến cho biết, mặc dù phải thức khuya, dậy sớm để kịp làm ra số lượng lớn xôi phục vụ hàng nghìn phóng viên, nhưng khi mọi người ăn và đáp lại bằng những nụ cười, những cái bắt tay thì bao nhiêu mệt mỏi, vất vả của bà đường như đã tan biến.

Đến nay, khi đã ở tuổi 60, bà Tuyến luôn mong muốn nghề làm xôi truyền thống của làng sẽ ngày càng có nhiều thế hệ truyền nhân. Bởi, đây không chỉ là một món ăn ngon, mà còn có ý nghĩa gìn giữ giá trị truyền thống từ thời cha ông để lại. Những truyền nhân thế hệ sau này sẽ tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề. Đồng thời, cùng nhau lan tỏa rộng rãi và nâng tầm thương hiệu xôi Phú Thượng đến với đông đảo thực khách trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: Nguyễn Lệ Giang

08:58 28/10/2022