Dệt may "xanh hóa" sản xuất hút tín dụng ngân hàng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dệt may là một trong các ngành được xếp vào đối tượng ảnh hưởng rủi ro về môi trường và nằm trong diện cần đánh giá khi cấp tín dụng. Vì vậy, để tiếp cận các nguồn “tín dụng xanh”, ngành này cần phải “xanh hóa” sản xuất.

Đây là ý kiến được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại hội thảo "Đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với ngành dệt may tại Việt Nam", do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức ngày 12/1.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dệt may nhiều năm qua là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nên có nhiều sự ưu đãi từ các chính sách của Nhà nước. Nhờ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, đội ngũ lao động ngày càng có tay nghề cao; cùng với sự ưu đãi từ các chính sách của Nhà nước, ngành dệt may đã thu được những kết quả đáng khích lệ, vừa tạo ra giá trị hàng hóa xuất khẩu, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, dệt may là một trong các ngành kinh tế có mức độ rủi ro môi trường và xã hội cao so với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác. Do quá trình sản xuất cần phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, đồng thời sử dụng nhiều năng lượng cho việc đun nóng, tạo ra hơi nước dẫn đến tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính. “Chính vì vậy, ngành dệt may là một trong các ngành được xếp vào đối tượng ảnh hưởng rủi ro về môi trường và nằm trong diện cần đánh giá khi cấp tín dụng” - ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.

Để có thể tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn tài trợ từ ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, mục tiêu “xanh hóa” sản xuất, nâng cao trách nhiệm và thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất là yêu cầu cấp bách, mang tính chiến lược của ngành dệt may nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút được dòng vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ngành dệt may đang có xu hướng phát triển theo hướng đầu tư xanh.
Ngành dệt may đang có xu hướng phát triển theo hướng đầu tư xanh.

Còn đại diện các tổ chức tín dụng cho rằng, vấn đề cốt lõi nằm ở các DN dệt may. Về nguyên tắc, các ngân hàng khi cấp vốn phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về cho vay mà NHNN đã ban hành nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Trong số các dự án có hiệu quả thì các ngân hàng sẽ ưu tiên tài trợ các dự án xanh. Do đó, vấn đề mấu chốt là DN cần phải có các dự án có hiệu quả. Các DN cần nâng cao nhận thức, thay đổi quy trình sản xuất, triển khai giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về môi trường; chuyển đổi quy trình, dây chuyền sản xuất sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo định hướng tăng trưởng xanh.

Chuyên gia của WWF cho biết, ngành dệt may đang có xu hướng phát triển theo hướng đầu tư xanh để sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu hoặc tái chế chất thải. Thực tế hiện nay, các tổ chức tín dụng đã quan tâm hơn đến việc xây dựng các chính sách “tín dụng xanh” để đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh. Theo NHNN, tính đến tháng 11/2021, có 67 tổ chức tín dụng triển khai "tín dụng xanh", dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm khoảng hơn 4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020. Nhưng dư nợ đối với ngành dệt may chỉ khoảng 145.000 tỷ đồng (tăng khoảng 5000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020), chiếm gần 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Thông qua phân tích chuỗi giá trị của ngành dệt may, có 3 lĩnh vực chính cần đầu tư xanh gồm: Đầu tư vào công nghệ xanh để sản xuất nguyên liệu đầu vào sợi, vải và phụ liệu; đầu tư áp dụng công nghệ mới nhất giảm thiểu ô nhiễm chất thải và tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên bao gồm nhưng không giới hạn ở xử lý nước và tiết kiệm năng lượng; đầu tư thiết kế sản phẩm và xây dựng sự khác biệt hóa thương hiệu theo xu hướng sản phẩm xanh toàn cầu.

Valid: True