70 năm giải phóng Thủ đô

Dệt Phùng Xá ước vọng vươn xa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Phùng Xá (Mỹ Đức) có nghề dệt truyền thống phát triển. Nghề dệt vừa giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững ổn định an ninh chính trị ở địa phương.

Nghề dệt cũng là nguồn lực to lớn góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) của Phùng Xá.

Nguồn lực lớn

Phùng Xá là xã điểm xây dựng NTM và cán đích NTM đầu tiên của huyện Mỹ Đức. Thành quả của chương trình này đã thực sự làm thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây với những con đường nhựa, đường bê tông trải khắp các ngõ xóm, những dãy nhà xưởng, công ty, nhà cao tầng mọc lên san sát. Tiếng máy dệt rộn ràng khắp nơi càng làm cho không khí sản xuất thêm phần náo nhiệt. Để có được thành quả đó thì làng nghề dệt truyền thống đã góp một phần không hề nhỏ. Chỉ với nguyên liệu đầu vào là những cối sợi trắng, bằng đôi tay khéo léo, người dân Phùng Xá đã làm ra những chiếc khăn với đủ mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc và có chất lượng cao như khăn mặt, khăn nhỡ, khăn tắm, khăn trơn, khăn họa tiết… Sản phẩm dệt Phùng Xá đã được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước biết đến.
Ông Phan Minh Doanh – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề giới thiệu về công nghệ dệt hiện đại.
Ông Phan Minh Doanh – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề giới thiệu về công nghệ dệt hiện đại.
Ông Phan Minh Doanh – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt Phùng Xá cho biết: Hiện nay làng nghề có 1.800 hộ tham gia sản xuất, chiếm 90% số hộ dân trong làng. Nhờ phát huy hiệu quả nghề truyền thống mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây luôn được đảm bảo. Quy mô làng nghề ngày càng được mở rộng với 35 công ty, 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa. Các cơ sở này tạo công ăn việc làm cho 5.000 lao động ở địa phương và 2.000 lao động ở các địa phương khác, với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ ngành tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 67% tổng doanh thu của xã, nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở địa phương luôn được giữ vững. Nhờ có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao nên người dân luôn sẵn sàng đóng góp xây dựng và kiến thiết quê hương. “Riêng năm 2015 người dân làng nghề đã đóng góp được trên 1 tỷ đồng cho các chương trình xã hội hóa của địa phương” – Ông Doanh tự hào cho biết.

Hướng đến phát triển bền vững

Để làng nghề phát triển bền vững, ngoài việc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại, Phùng Xá còn đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ môi trường làng nghề. Toàn bộ rác thải của làng nghề được thu gom và xử lý ở một khu tập trung. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tăng cường tuyên truyền các kiến thức về bảo vệ môi trường, trang bị bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ cho người sản xuất.

Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tác động của hóa chất trong quá trình tẩy nhuộm đối với môi trường, địa phương đã thành lập điểm công nghiệp làng nghề trên tổng diện tích 5 ha, với vốn đầu tư 40 tỷ đồng. Trong đó có 5 xưởng dệt, 4 xưởng tẩy nhuộm, một xưởng kéo sợi và một xưởng dệt bao bì. Hiện nay địa phương cũng đang hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải cho cụm công nghiệp làng nghề, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2016.

Bên cạnh những mặt đạt được, hiện nay Phùng Xá vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do cụm công nghiệp làng nghề nhỏ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người sản xuất, nên đa số người dân phải tận dụng khoảng sân trống của gia đình làm nơi sản xuất. Quá trình dệt phát ra tiếng ồn và bụi bặm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của người dân làng nghề Phùng Xá hiện nay là sớm có điểm công nghiệp làng nghề để người dân có điều kiện đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập.