Di dời bộ, ngành, trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô hà nội: Đủng đỉnh đến bao giờ? - Bài 3: Bộ, ngành dùng dằng “nửa ở - nửa đi”

Vân Hằng – Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định, quyết tâm di dời nhưng năm 2017 đang dần khép lại, số lượng bộ, ngành thực hiện dịch chuyển chậm, chưa đạt kỳ vọng.

Sự thờ ơ của cơ quan chức năng, thiếu những giải pháp kiên quyết đã khiến 13 cơ quan Bộ, ngành rơi vào tình cảnh “dùng dằng nửa ở, nửa đi”.
Vẫn tiếc “đất vàng”

Để di dời các cơ sở thuộc bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội, Chính phủ phải có bố trí ngân sách, kế hoạch lộ trình. Dù vậy, đến nay điều này rất hạn chế. Thực tế, chưa có một cơ sở nào di dời ra ngoại thành thực hiện đúng theo Quyết định 130 của Thủ tướng. Chủ yếu ở dạng chấp hành một chiều. Tức, đồng thuận di dời song kiến nghị “ôm” trụ sở cũ. Hà Nội có trách nhiệm giới thiệu địa điểm mới theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, việc điều tiết sử dụng chức năng còn lại (bàn giao quỹ đất cũ) không thuộc thẩm quyền của Hà Nội. Đồng nghĩa, việc tái đầu tư nâng cấp hạ tầng của TP chưa thể thực hiện do… chưa thu được khu đất nào.

Bộ TN&MT (83 Nguyễn Chí Thanh) đã di dời, nhưng trụ sở cũ vẫn được các cơ quan trực thuộc Bộ sử dụng.  Ảnh: Thanh Hải

Việc di dời trụ sở bộ, ngành để bố trí quỹ đất tập trung phục vụ trụ sở bộ ngành theo quy định chung của Luật Thủ đô, UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu trung tâm, khu đô thị Tây Hồ Tây tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 5581 ngày 13/9/2013. Trong đó, dành 20ha đất để bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở Bộ, ngành. Bao gồm 5 bộ, ngành thuộc khối kinh tế, gồm: Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng với bình quân 2 - 3,5ha/cơ quan.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tỷ lệ 1/500 đang được Sở QH&KT thẩm định trình duyệt. Trong đó, dự kiến khoảng 55ha bố trí trụ sở bộ, ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 30 ngày 13/2/2016. Tại đây, sẽ có 6 cơ quan thuộc khối văn xã là: Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, một số bộ như Bộ Nội Vụ, Bộ TN&MT, Thanh tra Chính phủ đã di dời đến trụ sở mới từ năm 2010 – 2012, nhưng trụ sở cũ vẫn được các cơ quan trực thuộc bộ sử dụng. Chưa bàn giao lại cho Hà Nội tái đầu tư theo 3 phương án: làm trường học, trung tâm hành chính cấp quận hoặc xây dựng chỗ để xe và trồng cây xanh. Cụ thể, trụ sở cũ của Bộ TN&MT tại số 83 Nguyễn Chí Thanh hiện tại là cơ quan của Tổng cục Biển và Hải Ðảo, Cục Viễn thám quốc gia. Trong khi đó, trụ sở cũ của Bộ Nội Vụ tại số 37A Nguyễn Bình Khiêm, hiện tại là trường Ðào tạo, Bồi dưỡng cán bộ công chức. Tương tự, trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ tại số 220 Ðội Cấn, hiện là cơ quan của Tạp chí Thanh tra Chính phủ.

Nghịch lý ở chỗ, các trụ sở mới của Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT, Thanh tra Chính phủ đều rất bề thế về diện tích lẫn quy mô. Đơn cử, dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới của Bộ Nội vụ được khởi công từ tháng 4/2009, trên diện tích đất 1,63ha, quy mô 17 tầng, tại địa chỉ lô D24 – Khu đô thị mới Cầu Giấy. Đưa vào sử dụng từ hồi tháng 12/2010. Ngay giáp Bộ Nội vụ là Bộ TN&MT tại số 10 Tôn Thất Thuyết, được khởi công xây dựng từ tháng 2/2009 trên diện tích rộng 1,38ha, quy mô 18 tầng với tổng mức đầu tư 327 tỷ đồng và sử dụng từ tháng 5/2012.

Quyết lấy lại trụ sở cũ

Đại diện nhiều Bộ, ngành cho biết việc họ dùng dằng chưa di dời trụ sở mới do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chưa nắm được cách thức xử lý với trụ sở cũ như thế nào? Thứ hai, có được bán để lấy tiền xây trụ sở mới? Thứ ba, nếu được chấp thuận bán theo nguyên lý thị trường sẽ quy hoạch làm trung tâm thương mại hay nhà ở? Trên thực tế nhiều bộ chuyển đi rồi nhưng vẫn giữ, hoặc xin được quản lý trụ sở cũ. Hoặc có Bộ, ngành nấn ná không muốn đi hoặc không có tiền để xây trụ sở mới, tìm mọi lý do để tiếp tục ở lại… phố cổ, đất vàng.

Trước câu hỏi về việc thực hiện chủ trương chuyển trụ sở các Bộ, ngành, bệnh viện, trường học ra ngoại thành thực hiện chậm, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà từng trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo Bộ trưởng, Hà Nội đã có quy định chi tiết về mục tiêu di dời, nguyên tắc và trách nhiệm các Bộ, ngành. Tuy nhiên, tiến độ chậm do bố trí đất quy hoạch để di dời “không đơn giản”. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan cũng chưa có đề án cụ thể về kế hoạch di dời.

Ông Phạm Hồng Hà thông tin, qua rà soát có 13 Bộ, ngành phải di dời từ nội đô ra khu vực Mễ Trì, Tây Hồ Tây và mọi phương án đã được tính toán, chỉ còn khó ở vấn đề nguồn lực, "trừ một số trường hợp đặc biệt, còn lại không thể dùng ngân sách đầu tư công di dời”. “Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục trao đổi với Hà Nội, báo cáo Chính phủ phương án địa điểm mới, đảm bảo đủ điều kiện nhưng cũng không cần ở vị trí đất sinh lợi quá cao. Việc di dời trụ sở Bộ, ngành ở nội đô sẽ được áp dụng cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn lực xã hội, do vậy nếu có cơ chế giá đất tốt thì "đủ sức làm” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay.

Cũng liên quan đến việc các bộ “cố thủ” ôm đất “vàng”, ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính khẳng định, tình trạng này sẽ chấm dứt sau ngày 1/1/2018. Kể từ 1/1/2018, Bộ Tài chính, các Sở Tài chính sẽ có ý kiến ngay từ đầu về việc cơ quan, đơn vị nào đề nghị được xây trụ sở mới do trụ sở cũ xuống cấp, không đủ diện tích làm việc, không đáp ứng được yêu cầu phục vụ. Cơ quan tài chính cũng giám sát quá trình xây dựng trụ sở mới và bàn giao lại trụ sở cũ. Vì thế, không còn chuyện đã có trụ sở mới lại không chịu trả trụ sở cũ như hiện nay. Trường hợp, trụ sở mới đáp ứng yêu cầu, cơ quan tài chính sẽ có ý kiến về việc sắp xếp trụ sở cũ: thu hồi; điều chuyển cho đơn vị, cơ quan khác đang thiếu diện tích làm việc; đấu giá quyền sử dụng đất… phù hợp với quy hoạch.

Giới quy hoạch đô thị cho rằng, nếu triệt để chuyển trụ sở của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan T.Ư ra ven đô, Hà Nội sẽ giảm được quá tải về giao thông. Theo con số mà Bộ Xây dựng trù tính và đề xuất, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây mới 13 trụ sở bộ, ngành cần di dời vào khoảng 17.000 tỷ đồng. Con số này rất lớn nếu dùng vốn ngân sách. Song, nếu tổ chức đấu thầu công khai và làm tốt chỉ cần 5 - 6 trụ sở bộ, ngành ở khu đất “kim cương", đã gần đủ làm trụ sở mới cho 13 bộ, ngành như dự kiến. Điều quan trọng, trong đấu thầu trụ sở, nhà đầu tư không được xây dựng chung cư cao tầng. Vấn đề này cần phải dứt khoát, nếu không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch giao thông. Điều cuối cùng, để tránh hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” trong dự thầu, cần mở phiên đấu giá công khai không hạn chế đối tượng dự thầu. Như vậy sẽ hạn chế việc thông thầu, dìm giá... gây thiệt hại cho Nhà nước.

Mục đích của việc di dời các bộ, ngành là để tránh tập trung các cơ quan đầu não ở trung tâm gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển hạ tầng giao thông. Nếu sau khi di dời lại phê duyệt cho xây dựng chung cư cao tầng thì không ổn. Nội đô Hà Nội đang thiếu trường học, sân chơi cho trẻ em, vườn hoa nên xây dựng các công trình công cộng, người dân sẽ đồng tình. Chứ nhồi nhét hàng loạt các công trình trung tâm thương mại, nhà ở thì chắc chắn 100% phiếu không tán thành từ người dân.

Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Trần Ngọc Hùng

(còn nữa)