Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH, 10 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 132.645 người, đạt 120,59% kế hoạch năm 2023 (Trước đó, Bộ LĐTB&LĐ đặt ra kế hoạch năm 2023 đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).
Nhật Bản là thị trường lao động hàng đầu với 67.550 lao động Việt Nam lựa chọn; tiếp đến là thị trường Đài Loan có 50.862 lao động; thị trường Hàn Quốc 5.973 lao động, Trung Quốc 1.669 lao động; Hungari 1.242 lao động, Singapore 1,212 lao động và các thị trường khác.
“Nguồn lực lao động nước ngoài này trung bình mỗi năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5 – 4 tỷ USD” – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết. Để phát huy hiệu quả của lực lượng lao động ở nước ngoài, Chính phủ đã chỉ đạo trong các nghị quyết. Bộ LĐTB&XH đã và đang thực hiện các giải pháp, chẳng hạn như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm cho đối tượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, kết nối DN và DN nước ngoài. Trường hợp người lao động ở Nhật Bản hết hạn hợp đồng về nước thì có thể làm việc trong các DN Nhật Bản để phát huy năng lực, kinh nghiệm. Nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về được vay vốn sản xuất, kinh doanh…
Cùng với đó, Bộ LĐTB&XH có quy định bổ sung hình thức lao động ngắn hạn, thời vụ, theo mùa để tận dụng năng lực, sở trường của người lao động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong 1 năm, Bộ giải quyết 1,6 – 1,7 triệu lao động trong nước, số lao động nước ngoài hiện nay chiếm khoảng 10%; đồng thời duy trì 500.000 – 650.000 thường xuyên lao động ở nước ngoài, thì quy mô này là vừa phải.
Bộ LĐTB&XH căn cứ nhu cầu lao động trong nước để có cân đối, điều chỉnh số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài, giữ tỉ lệ phù hợp không ảnh hưởng đến trong nước.