Đi lên từ kinh tế tập thể

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016 được Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội chọn là năm xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. Điều này thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ giúp nông dân có hướng làm giàu một cách vững chắc hơn.

Mạnh dạn tìm hướng đi

Việc hỗ trợ nông dân làm kinh tế đã được triển khai từ nhiều năm nay trong tổ chức HND với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong năm 2015, nhiều cấp HND các địa phương cũng mạnh dạn xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế cho hội viên nông dân học tập. Đơn cử như tại huyện Sóc Sơn, ngoài vùng rau hữu cơ với diện tích trên 20ha trở thành nơi tham quan, học tập kinh nghiệm của trên 30 đoàn khách trong và ngoài nước, huyện còn duy trì diện tích trồng chè tại xã Nam Sơn hơn 400ha, nếp cái hoa vàng 250ha, hoa nhài 190ha…
Mô hình sản xuất rau hữu cơ của Hội Nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. 	Ảnh: Quang Thiện
Mô hình sản xuất rau hữu cơ của Hội Nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
Hay tại huyện Chương Mỹ, ngay từ đầu năm, HND huyện đã đưa nội dung hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả vào chương trình công tác năm. Đến nay, toàn huyện có hơn 300 trang trại, chủ yếu là trang trại chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao. Nhiều hội viên nông dân đã tham gia chuyển đổi đất đồi gò từ trồng sắn trong trồng bưởi Diễn, cam Canh hay thí điểm một số cây trồng mới như măng tây xanh, lúa Thiên Ưu 8… Ông Nguyễn Đăng Hùng – Chủ tịch HND Chương Mỹ cho biết, HND từ huyện tới cơ sở còn hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mây tre đan, bưởi Chương Mỹ, gạo hữu cơ Đồng Phú và quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Thống kê của HND TP cho thấy, trong năm qua, các cấp hội trên địa bàn TP đã chỉ đạo, xây dựng được 138 mô hình kinh tế tập thể với 3.300 hội viên nông dân tham gia. Đáng ghi nhận là các địa phương đã phát triển 183 câu lạc bộ nông dân tham gia phát triển kinh tế và câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi với hơn 5.800 hội viên tham gia. Qua đó nông dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm và giúp nhau cùng làm giàu.

Đổi mới sản xuất
Thống kê của HND TP cho thấy, trong năm qua, các cấp hội trên địa bàn TP đã chỉ đạo, xây dựng được 138 mô hình kinh tế tập thể với 3.300 hội viên nông dân tham gia. Đáng ghi nhận là các địa phương đã phát triển 183 câu lạc bộ nông dân tham gia phát triển kinh tế và câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi với hơn 5.800 hội viên tham gia.

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân học tập, trong năm 2015, HND TP triển khai hỗ trợ xây dựng 2 mô hình điểm là mô hình phát triển cây bưởi Diễn tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ và mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Đây là những mô hình tiêu biểu, trở thành điểm đến tham quan, học hỏi của nhiều hội viên nông dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của hội viên nông dân ở một số cơ sở hội còn chưa sát. Một số cán bộ HND chưa tích cực tham mưu với cấp ủy về cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Do đó, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp còn thấp.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, năm 2016, HND TP lấy chủ đề là “Năm xây dựng các mô hình kinh tế tập thể”. Trong đó mục tiêu là tuyên truyền đến 100% hội viên nông dân tham gia phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, phấn đấu mỗi quận, huyện, thị hội có 20% cơ sở hội xây dựng được mô hình kinh tế tập thể mới có hiệu quả và có ít nhất 1 mô hình kinh tế tập thể do HND đầu tư xây dựng. Để đạt được mục tiêu này, bà Dương Thị Hằng – Phó Chủ tịch Thường trực HND TP cho biết, Hội sẽ chỉ đạo tăng cường các hoạt động quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, HND TP sẽ phối hợp với các ngành như Sở NN&PTNT, Sở KH&CN, Công Thương tổ chức đào tạo, tập huấn, trợ giúp nông dân nâng cao năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Đồng thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động dịch vụ tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú trọng tới nội dung hướng dẫn nông dân liên kết hợp tác trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần