Đi nước ngoài làm việc trái phép: Nhiều rủi ro, hiểm nguy

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) - Bộ LĐTB&XH cảnh báo: Công dân Việt Nam ra nước ngoài theo các kênh không chính thống, sau đó ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro.

Người lao động trả lời phỏng vấn tuyển dụng làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Công Hùng
Dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người
Nguy cơ đầu tiên được Cục QLLĐNN chỉ ra là không tìm được việc làm, trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất nếu bị phát hiện. Do không có hợp đồng lao động hợp pháp nên việc làm và thu nhập không bảo đảm, không được hưởng các chế độ bảo hiểm, không được pháp luật nước sở tại bảo hộ. Bên cạnh đó, do không có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động, điều kiện làm việc, sinh hoạt, thiếu hiểu biết văn hóa, tập quán của nước đến; lại không được trang bị kỹ năng làm việc, rèn luyện về tay nghề và ngoại ngữ nên những công dân này rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người.
NLĐ đang làm việc ở nước ngoài, nếu cần sự giúp đỡ thì liên hệ với Cơ quan đại diện (Đại sứ quán/Ban Quản lý lao động) Việt Nam ở nước sở tại; Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao (đường dây nóng bảo hộ công dân); Cục QLLĐNN – Bộ LĐTB&XH.
Lao động Việt Nam ra nước ngoài theo các kênh không chính thống còn có nguy cơ bị cưỡng bức lao động nhưng lại không được luật pháp nước sở tại bảo vệ. Công dân tự do đi làm việc ở nước ngoài không đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam và đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước họ đến, trong trường hợp gặp khó khăn, có phát sinh vụ việc, các cơ quan chức năng của Việt Nam rất khó tiếp cận, nắm bắt tình hình, tư vấn hỗ trợ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Cục QLLĐNN đề nghị các địa phương cảnh báo cho công dân những rủi ro của việc ra nước ngoài bằng visa du lịch rồi ở lại làm việc bất hợp pháp. Cục cũng đề nghị các Sở LĐTB&XH kiểm tra, rà soát tình hình đi làm việc ở nước ngoài của người dân tại địa phương. Qua đó phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại đang môi giới, tuyển chọn, tổ chức người đi trái phép để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.
Cần tuân thủ đúng quy định
Theo Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN Nguyễn Gia Liêm, hiện nay các thị trường lao động nước ngoài phổ biến là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Lao động Việt Nam muốn đi làm việc hợp pháp ở nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. NLĐ đi làm việc tại châu Âu có thể thông qua các DN đã được Cục QLLĐNN thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Khi NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bằng hình thức hợp đồng cá nhân thì phải đăng ký hợp đồng với Sở LĐTB&XH các địa phương.
Ông Liêm lưu ý, với hình thức đi làm việc ở nước ngoài bằng hợp đồng cá nhân, NLĐ tự ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng ở nước ngoài. Trong trường hợp này, NLĐ phải có các điều kiện: Có trình độ ngoại ngữ đủ để đàm phán hợp đồng với chủ sử dụng nước ngoài (thành thạo tiếng Anh hoặc tiếng bản địa). Có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động. NLĐ tự chịu trách nhiệm với nội dung hợp đồng đã ký với chủ sử dụng lao động đảm bảo đúng với pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận.
Khi muốn đi làm việc ở nước ngoài, NLĐ phải đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài, có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt, đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận NLĐ. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận NLĐ, được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết và không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi đi làm việc ở nước ngoài bằng một trong hai hình thức trên, NLĐ phải có hợp đồng lao động, visa và giấy phép lao động hợp pháp do chính quyền nước tiếp nhận cấp.
“NLĐ cần đi làm việc ở nước ngoài bằng con đường hợp pháp thì mới an toàn. Di cư lao động hợp pháp là phải ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động, phải đăng ký làm việc ở nước ngoài với cơ quan quản lý lao động ở Việt Nam và phải được chính quyền nước tiếp nhận cấp visa, giấy phép lao động hợp pháp. Nước Anh không cấp giấy phép lao động cho lao động phổ thông của Việt Nam” – ông Liêm nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần