Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Nhiều hạng mục cần tu bổ

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Ngày 27/3/2017, khu vực giếng Thiên Quang của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xảy ra hiện tượng trôi móng, dẫn đến nguy cơ đổ tường. Sở VH&TT Hà Nội đã xin chủ trương tu bổ cấp thiết, TP đã có văn bản đồng ý.

Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thành các bước đánh giá, báo cáo trình UBND TP và Bộ VHTT&DL phương án tu bổ. Thời gian tu bổ dự kiến kéo dài trong 2 tháng” - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết.

Giếng Thiên Quang sụt lún

Theo tài liệu ghi chép lịch sử tu sửa giếng Thiên Quang rõ ràng nhất có 2 dấu mốc. Cụ thể, năm 1904, dưới thời Pháp thuộc, Hội đồng quản lý Văn Miếu gửi Thị trưởng Hà Nội - Tòa Công sứ Hà Đông đã đề xuất tu sửa giếng Thiên Quang cùng một số hạng mục xung quanh với kinh phí khoảng 3.000 bạc (tiền Đông Dương). Đến năm 1994, UBND TP Hà Nội cũng đã xin ý kiến và được Bộ VHTT&DL chấp thuận xây dựng đình che bia, sửa chữa đường đi, nạo vét giếng Thiên Quang.

Vào chiều 27/3/2017, khu vực giếng Thiên Quang đã xảy ra hiện tượng trôi móng, làm cho một đoạn tường có nguy cơ đổ sập. “Quá trình khảo sát ban đầu cho thấy hiện tượng trôi móng tường lan can bao quanh giếng là do cấu tạo móng xây bằng gạch vồ, vữa vôi không có xi măng cốt thép, để trong nước lâu năm nên bị xuống cấp” – ông Kiêu cho biết. Cho dù đến nay, Sở VH&TT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám gia cố phần móng, phân luồng du khách nhưng vẫn ảnh hưởng đến mỹ quan di tích và gây nguy hiểm cho khách đến tham quan.

Khu vực giếng Thiên Quang tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được căng dây cảnh báo và bảo vệ chuẩn bị cho việc tu bổ. Ảnh: Phạm Hùng

Cùng với Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang là một hạng mục quan trọng dẫn lối du khách vào cửa Đại Thành hoặc rẽ sang 2 vườn bia tiến sĩ ở hai bên. Khu vực này được coi là trục chính, quan trọng trong khu vực Nội tự của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đến nay, các văn bản báo cáo lên Bộ VHTT&DL, UBND TP Hà Nội đã hoàn thành, chủ trương tu bổ cấp thiết đã được các đơn vị liên quan đồng ý. Bước tiếp theo, Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ phải là đơn vị tư vấn cho các cơ quan quản lý lựa chọn đơn vị thẩm định đánh giá chất lượng công trình, lên phương án tu bổ…, trình TP và Bộ VHTT&DL chấp thuận phương án tu bổ. “Hiện nay, UBND TP đang tạo điều kiện tốt nhất để dưới sự chỉ đạo của Sở VH&TT, Trung tâm có thể sớm tiến hành tu bổ. Chúng tôi đã tham khảo một số đơn vị tu bổ có uy tín, họ cho biết thời gian tu bổ khắc phục tình trạng sụt lún và khôi phục lại những bức tường có khả năng nghiêng đổ của giếng Thiên Quang sẽ mất khoảng 2 tháng” - ông Kiêu cho biết. Hiện nay, khu vực sụt lún đã được che bạt để tránh những tác động của du khách làm ảnh hưởng thêm đến hạng mục quan trọng của di tích.

Ngày càng xuống cấp

Năm 2013, Khuê Văn Các -một trong các hạng mục của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cũng là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội từng được cân nhắc tu bổ. Bởi hiện trạng của hạng mục di tích lúc bấy giờ là cột trụ bong tróc, rêu phong bám đầy tường và mái, lan can bằng gỗ nứt đôi… Theo dự kiến, Khuê Văn Các sẽ được tu bổ tổng thể, đặc biệt trong đó có phương án hạ giải để tu bổ. Tuy nhiên, phương án này đã gặp phải ý kiến phản đối của nhiều chuyên gia vì không thể hạ giải biểu tượng của Hà Nội, nên phải tìm phương án khác. TS Nguyễn Hồng Kiên - người có kinh nghiệm trùng tu di tích cho rằng, hiện tượng xuống cấp Khuê Văn Các chưa đến mức phải hạ giải. Chính vì vậy, từ năm 2013 đến nay, Khuê Văn Các mới được tu bổ tạm thời, tình trạng xuống cấp vẫn chưa thể được khắc phục hoàn toàn. Dự kiến trong năm 2017, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ tiếp tục đề xuất tu bổ Khuê Văn Các lên UBND TP Hà Nội và Bộ VHTT&DL.

Không chỉ có Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang…, nhiều hạng mục khác của di tích quan trọng bậc nhất cả nước cũng đang trong tình trạng xuống cấp. “Cổng Tam quan, điện Đại Thành, hệ thống tường gạch vồ xung quanh Văn Miếu, hồ Văn có đoạn phải chống bằng cột sắt, bị bung ra. Hệ thống bia tiến sĩ chịu sự tác động của môi trường, ô nhiễm không khí khiến chữ mờ dần đi” – ông Kiêu bày tỏ. Ngoài nguồn kinh phí đầu tư tu bổ của Nhà nước, thời gian tới, Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng sẽ trích một phần kinh phí từ nguồn thu thường xuyên để ưu tiên cho công tác duy tu, tu bổ.