Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội:

Dịch bệnh và môn thi lớp 10- nỗi thấp thỏm của học sinh lớp 9

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chỉ ít ngày nữa, Hà Nội sẽ công bố môn thi vào lớp 10 THPT năm học 2022- 2023. Vừa ứng phó với dịch bệnh phức tạp, thầy trò cùng phụ huynh có con học lớp 9 vừa sốt ruột chờ đợi phương án thi và số môn thi cụ thể vào lớp 10.

Nỗ lực dạy trực tiếp với học sinh lớp 9

Dự báo tình hình dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, kéo dài nên ngay từ đầu năm học 2021- 2022, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học trên tinh thần tinh giản chương trình và chỉ giữ lại nội dung cốt lõi. Sở GD&ĐT Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với học sinh lớp 9 khi lựa chọn đây là đối tượng học sinh đầu tiên được đến trường. Từ ngày 8/11/2021, học sinh lớp 9 tại huyện Ba Vì được đi học trực tiếp sau nhiều tháng học online. Tiếp đến, từ ngày 22/11/2021, học sinh lớp 9 thuộc 17 huyện, thị xã được đến trường. Với lớp 9 ở 12 quận, sau tết Nguyên đán Nhâm Dần (tức từ 8/2/2022), các em mới được đi học trực tiếp.

Năm 2021- 2022, học sinh lớp 9 tại Hà Nội đi học trực tiếp làm 3 đợt: Từ 8/11 với huyện Ba Vì; từ 22/11 với 17 huyện, thị xã còn lại và từ 8/2/2022 với 12 quận
Năm 2021- 2022, học sinh lớp 9 tại Hà Nội đi học trực tiếp làm 3 đợt: Từ 8/11 với huyện Ba Vì; từ 22/11 với 17 huyện, thị xã còn lại và từ 8/2/2022 với 12 quận

Chỉ khi đến trường, học sinh và giáo viên càng thấy quý giá từng phút giây trong lớp học truyền thống; vì lẽ đó, thời gian đến trường được gọi là “thời gian vàng”. Ngoài công tác phòng chống dịch thì Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các nhà trường phải có kế hoạch rõ ràng và bắt tay vào nhiệm vụ chuyên môn, vừa dạy kiến thức mới vừa ôn tập, củng cố kiến thức còn thiếu hụt cho học sinh trong giai đoạn học online; hệ thống kho học liệu trực tuyến cũng được các giáo viên khai thác tối đa, lồng ghép để học sinh ôn tập. Những học sinh yếu kém, nhà trường phân nhóm, phân giáo viên để dạy kèm cho các em.

Với các trường học, kể cả học trực tuyến hay trực tiếp, chương trình dạy học, nhất là với lớp 9 luôn được thực hiện đảm bảo, bài bản theo lộ trình. Công tác đôn đốc, nhắc nhở học sinh liên tục được nhà trường, giáo viên chủ nhiệm quan tâm để học sinh chú tâm vào học tập; rằng, học sinh cần ý thức rõ nhiệm vụ của mình, tự giác chăm chỉ; chủ động thích ứng và không có tâm lý chờ đợi đi học trực tiếp mới học mà học ngay, học luôn; trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ bởi kỳ thi lớp 10 mỗi lúc một đến gần hơn.

Thực tế thì…

Phải thừa nhận, hiệu quả học trực tuyến không thể bằng học trực tiếp. Việc học bằng hình thức online kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của học sinh. Điều này được thể hiện ngay với các lớp 9 ngoại thành khi tiến hành kiểm tra học kỳ 1 trực tiếp và từng giờ lên lớp sau khi các em đến trường học tập. Khi học sinh lớp 9 học trực tiếp sau Tết Nguyên đán, nhiều thầy cô giáo phải giật mình vì chất lượng học sinh. “Các em lớp 9 rất ngơ ngác, khoảng 30% học sinh học ổn; còn lại đều rất đáng lo”- Phó Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn quận Hà Đông chia sẻ.

Học trực tuyến kéo dài gây ảnh hướng đến chất lượng giáo dục
Học trực tuyến kéo dài gây ảnh hướng đến chất lượng giáo dục

Thời điểm hiện tại, trên 20% học sinh là F0 và tương đương số đó là F1 nên kể cả khi tổ chức cho đi học trực tiếp thì tình trạng phổ biến tại các trường học là lớp học cũng rất ít học sinh, còn lại học trực tuyến tại nhà. Chất lượng học trực tuyến giai đoạn song song on-off như hiện nay được đánh giá không bằng trực tuyến hoàn toàn như trước đây; chưa kể tỷ lệ giáo viên F0 vẫn dạy trực tuyến qua zoom ngày càng nhiều dẫn đến chất lượng dạy cũng không đảm bảo. “Nhiều học sinh đã hết F0, đến trường học thì vẫn kêu mệt mỏi, nhức đầu do ảnh hưởng của hậu Covid. Quả thật, nhà trường đang rất lo lắng với kỳ thi vào lớp 10 sắp tới”- Hiệu trưởng một trường THCS tại huyện Hoài Đức cho biết.

Nhìn lại hành trình học của học sinh lớp 9 năm nay: Với ngoại thành, các em học trực tuyến gần một học kỳ thì học trực tiếp; quá trình học trực tiếp cũng bị xáo trộn nếu trường thuộc địa bàn “vùng cam”. Với nội thành, các em đi học trực tiếp từ 8/2- khi đã được nửa học kỳ 2. Dù đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng tỷ lệ F0, F1 của không chỉ học sinh mà giáo viên ngày càng tăng trong các cơ sở giáo dục; sức khỏe và tinh thần bị ảnh hưởng; kéo theo chất lượng học bị giảm sút.

 Cần chọn phương án phù hợp

Theo tiền lệ, nhiều năm trở lại đây, môn thi thứ 4 sẽ được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố trong tháng 3. Về tâm lý, hầu hết học sinh và phụ huynh có con học lớp 9 đều mong sẽ không thi môn thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay; số còn lại bày tỏ nguyện vọng nếu có thi môn thứ 4 thì sớm thông tin để nhà trường, học sinh chuẩn bị kế hoạch ôn luyện kỹ càng vì thời gian không còn nhiều nữa.

Các trường đang tích cực dạy và học  theo đúng kế hoạch năm học
Các trường đang tích cực dạy và học  theo đúng kế hoạch năm học

“Cũng như mọi năm, dù tình hình dịch bệnh nhưng kế hoạch dạy - học năm nay vẫn được tiến hành đúng tiến độ. Nhà trường đã và đang dạy đủ các môn theo kế hoạch để đảm bảo kiến thức cho học sinh, tránh tình trạng học lệch. Tháng 4, sau khi học xong chương trình cơ bản, nhà trường sẽ bắt đầu ôn tập cho học sinh lớp 9 thi vào lớp 10”- Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ Bùi Tố Hoa cho biết.

Với suy nghĩ, năm nay vì học trực tuyến kéo dài, chương trình được giảm tải rất nhiều nên dù có thi môn thứ 4 cũng không gây khó cho học sinh bởi đề sẽ nhẹ hơn, chỉ tập trung vào kiến thức cốt lõi và chủ yếu trong chương trình lớp 9. “Chương trình học đã gần hết và các thầy cô đều dạy đi dạy lại rất kỹ; kho học liệu điện tử cũng rất sẵn với đa dạng, phong phú dạng đề. Em không ngại thi môn thứ 4 và theo em, thi môn thứ 4 có ý nghĩa giúp học sinh, phụ huynh rèn tâm lý phải thích ứng với hoàn cảnh; không thể thấy khó là kêu và bỏ được”- Nguyễn Thành Nam, học sinh lớp 9 tại quận Thanh Xuân nêu ý kiến.

Tuy nhiên, xét về điều kiện thực tế, nhiều nhà trường, giáo viên cho rằng, với một năm học nhiều thử thách như năm nay, việc hoàn thành chương trình học là nỗ lực rất lớn của tập thể nhà trường; do đó, không thi môn thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 sẽ là một hình thức giảm áp lực cho xã hội vì tất cả đều chịu nhiều mệt mỏi, ảnh hưởng suốt thời gian qua.

Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn yêu cầu các nhà trường tổ chức dạy học đầy đủ nội dung các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định nhằm bảo đảm học sinh có kiến thức, kỹ năng tốt để tiếp tục học tập có chất lượng khi vào lớp 10. Trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và căn cứ tình hình dịch bệnh, Sở sẽ tham mưu UBND TP Hà Nội quyết định phương án thi và sẽ công bố số môn thi cụ thể vào lớp 10 trong vài ngày tới.