Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi ở miền Tây đổi màu cấp độ dịch

HỒNG DUY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các địa phương ở khu vực Tây Nam bộ vẫn đang diễn biến phức tạp, một số địa phương đã nâng cấp độ dịch để phù hợp với tình hình thực tế và áp dụng các biện pháp hành chính chống dịch tương ứng.

Theo Quyết định số 3150/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về việc điều chỉnh cấp độ dịch Covid-19 đối với TP Sóc Trăng, kể từ 0 giờ ngày 10/11, toàn TP Sóc Trăng sẽ chính thức nâng cấp độ dịch từ cấp 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao).
Theo Sở Y tế Sóc Trăng, trong hôm qua (7/11) tỉnh ghi nhận 298 ca F0 mới, trong đó có hơn 100 F0 phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, nâng tổng số F0 từ trước đến nay ở tỉnh này lên gần 7.300 ca.  
Trong ngày, Sóc Trăng cũng bắt đầu triển khai chiến dịch tầm soát dịch bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát dịch. Trong thời gian thực hiện chiến dịch, mỗi người sẽ được lấy mẫu 3 lần/tuần.
Tỉ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Sóc Trăng hiện ở tỷ lệ khá thấp, trong đó người tiêm đủ 2 mũi là 149.854 người, đạt 17,45%.
Các địa phương ở miền Tây đang có tỷ lệ phủ vaccine còn thấp. Ảnh: Hồng Duy 
Tại An Giang cũng ghi nhận tới 531 ca F0 mới trong ngày 7/11, trong đó có 155 ca trong cộng đồng. Trước tình hình này, UBND tỉnh An Giang quyết định nâng cấp độ dịch từ cấp 2 lên cấp 3, thời gian bắt đầu từ 5 giờ ngày 8/11 cho đến khi có thông báo mới. Tính từ ngày 15/4 đến ngày 7/11, An Giang có 13.534 ca F0. Về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở An Giang, hiện có 94,05% dân số được tiêm mũi 1, mũi 2 đạt 18,44%.
Tại Hậu Giang, bắt đầu từ 6 giờ hôm nay (8/11), tỉnh này áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới. Cụ thể: Tạm dừng các hoạt động ăn, uống tại chỗ của các nhà hàng, quán nhậu, cafe, quán ăn trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ được bán hàng mang về…
Kể từ 21 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau, người dân tuyệt đối không ra đường (trừ trường hợp cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; lực lượng phòng chống thiên tai; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài; lực lượng phát hành thư, báo; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas).
Tại Cần Thơ, sau khi ghi nhận 370 F0 ngày 7/11, tính đến trưa nay (8/11) tiếp tục ghi nhận thêm 240 F0 mới. Nhiều ổ dịch mới được phát hiện, Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 TP Cần Thơ vừa có tờ trình (nâng cấp độ dịch từ cấp 2 lên cấp 3) gửi Thường trực Thành ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành. Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Cần Thơ đến ngày 7/11 đạt 72,4%, tỷ lệ mũi 2 đạt 25,5%.
Nhiều địa phương khác ở khu vực Tây Nam Bộ cũng đang ghi nhận F0 tăng trên trăm ca mỗi ngày. Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long hôm nay đã có thông báo về việc tạm dừng phục vụ tại chỗ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, thời gian bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/11 đến ngày 16/11.
Tương tự, huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp cũng cho ngưng phục vụ ăn uống tại chỗ từ hôm qua (7/11). Tính đến ngày 8/11, Đồng Tháp ghi nhận 351 F0 mới, tăng 62 ca so với hôm qua. Đồng Tháp hiện chống dịch ở cấp độ 2, trong đó có 11/12 huyện, TP cấp độ 2, huyện Châu Thành là cấp độ 3.
Tính đến ngày 8/11, Đồng Tháp đã tiêm được 1.590.527 liều vaccine phòng Covid-19, mũi 1: 945.302 liều, đạt 69,64%; mũi 2: 645.225 liều, đạt 47,54%...