Dịch Covid-19: Người trong cuộc thú nhận lý do y tế Mỹ thất bại

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Không có hệ thống y tế cộng đồng ở Mỹ, vì ngoài năng lực quốc phòng, quốc gia giàu nhất thế giới không có khả năng bảo vệ người dân nói chung", cựu Bộ trưởng lao động Mỹ Robert Reich nói.

Tiến sĩ Anthony S Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ mới đây kêu gọi thừa nhận một thực tế tại Mỹ, rằng hệ thống y tế không phục vụ mục tiêu cộng đồng cấp thiết lúc này và "đó là một sự thất bại".
"Thay vì một hệ thống y tế cộng đồng, chúng tôi có một hệ thống vì lợi nhuận riêng, dành cho những người đủ may mắn để chi trả và một hệ thống bảo hiểm xã hội ọp ẹp cho những người may mắn đã có công việc toàn thời gian", ông Fauci nói với The Guardian.
Tổng thống Donald Trump giữ một bức ảnh về virus SARS-CoV-2, giữa Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar, và Giám đốc CDC Robert Redfield.

Cộng đồng kiểu Mỹ
Theo vị tiến sĩ, ở Mỹ, từ "cộng đồng" - trong "y tế cộng đồng", "giáo dục cộng đồng" hoặc "phúc lợi cộng đồng" - có nghĩa là tổng nhu cầu cá nhân, không phải là lợi ích chung.
Chẳng hạn, trái ngược với điều này là hệ thống tài chính của Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được tin tưởng quan tâm đến sức khỏe của thị trường tài chính nói chung. Cuối tuần trước, Fed đã cung cấp 1,5 nghìn tỷ USD cho các ngân hàng trước khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên khi nói đến vấn đề sức khỏe thực sự, khó có thể có một quỹ tương tự vậy tại Mỹ. Về cơ bản, không có tổ chức nào tương tự như Fed có trách nhiệm giám sát và quản lý sức khỏe cộng đồng - có thể chi một khối tiền khổng lồ ngay lập tức để ngăn chặn mối đe dọa đối với sinh mạng của hàng chục triệu người Mỹ một cách miễn phí.
Thêm vào đó, các cơ sở y tế địa phương và tiểu bang tại Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn, sau khi đã mất gần 1/4 nhân lực kể từ năm 2008.
Chăm sóc sức khỏe ở Mỹ được cung cấp chủ yếu bởi các tập đoàn tư nhân - kinh doanh vì lợi nhuận - không giống như các tổ chức tài chính nên không bắt buộc phải duy trì khả năng dự trữ. Điều này lý giải tại sao số lượng máy thở của một cường quốc như Mỹ lại tỏ ra thiếu hụt trầm trọng trước nhu cầu đột ngột của số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng.
45.000 giường bệnh chăm sóc đặc biệt của nước này cũng được cho là quá hạn chế so với 2,9 triệu nhu cầu được dự báo trong mùa dịch bệnh này.
Gói cứu trợ vô nghĩa?
Fed có thể đóng cửa các ngân hàng như một biện pháp để "cách ly" khủng hoảng tài chính, nhưng chính phủ Mỹ không thể đóng cửa nơi làm việc vì hệ thống bảo hiểm xã hội của quốc gia phụ thuộc vào người lao động.
Gần 30% lao động Mỹ không được phép nghỉ ốm có lương, 70% trong số đó là người lao động có thu nhập thấp với mức dưới lương 10,49 USD/giờ. Một lượng lớn lao động tự làm chủ cũng không đủ khả năng nghỉ ốm lúc này.
Thêm vào đó, hầu hết người Mỹ thất nghiệp không đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp vì họ đã không làm việc đủ lâu trong một công việc ổn định. Trong khi đó, hơn 30 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế, nghĩa là không đủ điều kiện để nhận trợ cấp y tế, phiếu thực phẩm và các hỗ trợ công cộng khác hiện có liên quan đến tìm kiếm việc làm.
Mỹ cũng phải chật vật để đóng cửa các trường công, vì hầu hết các bậc cha mẹ phải đi làm không đủ khả năng chăm sóc con. Nhiều trẻ em nghèo tại nước này phải dựa vào bữa trưa ở trường như bữa ăn chính duy nhất trong ngày. Ở Los Angeles, khoảng 80% học sinh đủ điều kiện ăn trưa miễn phí hoặc với giá thấp dưới 20.000 nếu được chứng minh là vô gia cư.
Và quan trọng, theo Robert Reich - cựu Bộ trưởng lao động Mỹ, hiện là giáo sư chính sách công tại ĐH California, tất cả những vấn đề trên hoàn toàn bị bỏ qua trong thỏa thuận đặc biệt mới đây giữa Hạ viện Dân chủ và Nhà Trắng, liên quan đến gói cứu trợ người dân Mỹ chịu tác động từ Covid-19.
"Tóm lại, không có hệ thống y tế cộng đồng ở Mỹ, vì ngoài năng lực quốc phòng, quốc gia giàu nhất thế giới không có khả năng bảo vệ người dân nói chung", ông Robert kết luận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần