Ngày 2/6, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch gia súc, gia cầm TP đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch lợn tai xanh tại huyện Ba Vì. Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, từ ngày 15/5, trên địa bàn huyện có hiện tượng lợn bị bệnh ốm chết tại một số xã. Qua lấy mẫu kiểm tra phát hiện lợn mắc bệnh dương tính với bệnh tai xanh. Ngay sau đó, UBND huyện đã họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn. Cùng với tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi biện pháp phòng chống dịch, huyện đã trích 1,5 tỷ đồng cho các xã mua vôi bột và hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ. Đồng thời, nghiêm cấm việc giết mổ, vận chuyển lợn bệnh; Tổ chức tiêu hủy lợn bệnh không có khả năng phục hồi và lợn chết; Thành lập các chốt kiểm dịch động vật để hạn chế tối đa việc vận chuyển lợn bệnh ra vào địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hải cho biết, đến ngày 2/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã cơ bản được khống chế, chưa xuất hiện ổ dịch mới. Số lượng lợn ốm và lợn chết giảm dần, số lượng lợn ốm được chữa khỏi tăng.
Không thể lơ là
Theo Chi cục Thú y TP, từ cuối tháng 4/2012 đến nay, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện tại một số xã thuộc các huyện: Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây. Đến nay, dịch bệnh này đã cơ bản được khống chế. Riêng huyện Chương Mỹ đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn là rất lớn, do Hà Nội có đàn lợn vào hàng lớn nhất cả nước, trên 1,7 triệu con, nhưng phần lớn là chăn nuôi nhỏ lẻ (trên 60%), việc quản lý giám sát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Hà Nội là địa bàn có nhu cầu tiêu thụ số lượng lớn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, trong đó phải nhập từ các tỉnh, thành khác trên 40% nên công tác kiểm soát còn nhiều bất cập. Đáng lo ngại, hiện nay, một số tỉnh giáp Hà Nội đã công bố dịch, trong đó có các xã thuộc huyện Lương Sơn (Hoà Bình); huyện Thanh Thuỷ, Thanh Sơn (Phú Thọ)... nên khả năng lây lan lớn. Việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi từ các tỉnh có dịch về thành phố và ngược lại vẫn diễn ra cũng tạo điều kiện cho việc phát tán mầm bệnh vào địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, trong công tác phòng chống dịch, khâu phòng là yếu tố quyết định. Vì vậy, nếu chúng ta không làm tốt công tác phòng chống, khả năng lây lan dịch bệnh trên địa bàn là rất lớn. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác phòng chống dịch. Ngay trong chiều 2/6, Chi cục Thú y phải xây dựng xong kế hoạch chi tiết tổng thể phòng chống dịch lợn tai xanh trên địa bàn thành phố năm 2012, trong đó phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, địa phương, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Từ đầu năm đến nay, đã có 10 tỉnh, thành phố công bố dịch lợn tai xanh, trong đó có các tỉnh giáp Hà Nội như: Hoà Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh. Theo cảnh báo của Bộ NN&PTNT, tình hình dịch lợn tai xanh đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Do vậy, các địa phương cần chủ động triển khai biện pháp chống dịch. |