Hơn 1.000 trường hợp mắc tại Hà Nội
Từ giữa tháng 6 đến nay, số bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh theo từng tuần, hiện đã lên tới gần 200 ca mắc/tuần, tất cả các quận, huyện đều ghi nhận bệnh nhân. Tính từ đầu năm đến nay, toàn TP đã có 1.147 ca SXH.
|
Ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Vân Nguyễn |
Theo điều tra dịch tễ, trong tuần qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận hàng chục ổ dịch dù đã tổ chức 94 chiến dịch phun hóa chất tại 13 quận, huyện; từ đầu năm đến nay là 856 chiến dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, dịch bệnh SXH sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi diễn biến thời tiết nắng lắm, mưa nhiều như hiện nay. Hà Nội lại là địa phương có mật độ dân số cao với hơn 10 triệu người kéo theo các vấn đề về vệ sinh môi trường kém, nhiều công trình đang xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại, nghĩa trang… là môi trường thuận lợi cho muỗi và lăng quăng truyền bệnh SXH.
Theo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình SXH đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số mắc tăng cao tại nhiều quốc gia. Điển hình, Philippines ghi nhận 92.267 trường hợp mắc, 398 ca tử vong, số mắc và tử vong tăng gấp đôi năm ngoái; Malaysia 62.421 trường hợp mắc, 93 ca tử vong; Lào, Singapore, Campuchia, Trung Quốc, những tuần qua số ca mắc tăng rất nhanh và dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian tới. |
Trước tình trạng này, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống và điều trị SXH. Sở yêu cầu các bệnh viện tiếp nhận và điều trị tích cực cho người bệnh mắc SXH, có biện pháp cách ly, hạn chế lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Đặc biệt với những trường hợp bệnh nhân mắc SXH nặng, vượt quá khả năng điều trị cần xử lý tích cực và chuyển tuyến trên kịp thời. Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã hiện cũng đang khẩn trương rà soát, kiện toàn lại Đội xung kích và Tổ giám sát phòng chống dịch SXH, tập huấn lại chuyên môn kỹ thuật cho các thành viên. Các thành viên của đội xung kích sẽ vào từng hộ gia đình hướng dẫn, trực tiếp thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Dịch lan rộng trên cả nước
Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu, hiện nay số ca mắc SXH trên cả nước tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong 5 tuần gần đây, số ca mắc tăng rất nhanh tại 34 tỉnh, TP của các khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, riêng các tỉnh Tây Nguyên số ca mắc bệnh tăng gấp 7 lần.
Ông Phu cho rằng, mặc dù Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành rất quyết liệt nhưng nhiều địa phương vẫn chưa bố trí kinh phí cho phòng chống dịch. Hiện kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm hơn 50%, địa phương lại chưa bố trí nguồn nên khó triển khai các hoạt động chủ động phòng dịch.
“Trong khi đó, chế tài xử phạt với cá nhân, đơn vị làm phát sinh ổ bọ gậy truyền bệnh còn thực hiện rất hạn chế, đa số chưa được áp dụng tại các địa phương. Các chiến dịch diệt bọ gậy cũng mang tính hình thức và không được duy trì thường xuyên, bền vững” - ông Phu nhấn mạnh.
Cũng theo Cục Y tế Dự phòng, những năm gần đây, mỗi năm trung bình có khoảng 100.000 ca mắc SXH và dự báo năm 2019 số ca mắc có thể tăng vượt con số này. Trong thời gian tới, ngành y tế và các địa phương tiếp tục các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, thiết lập và duy trì mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH tại hộ gia đình.
Tuy nhiên, ông Phu cũng nhấn mạnh, để phòng chống được dịch SXH, phụ thuộc vào ý thức từng người dân. Theo đó, người dân cần chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy trong chính gia đình mình, loại bỏ các vật liệu, phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. Đặc biệt, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã yêu cầu các đơn vị rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh cho phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám, khám lại. Các bệnh viện sắp xếp không để người bệnh nằm ghép, đối với người bệnh đã ổn định thì chuyển về tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc. Đặc biệt, các đơn vị đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh. |