Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch sốt xuất huyết: Nỗi lo từ bệnh... chủ quan

Trần Nga – Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang làm “nóng” cả TP Hà Nội. Đi đến đâu người ta cũng nói về dịch, từ hàng trà đá vỉa hè cho đến những quán ăn nhà hàng sang trọng, câu chuyện về những người mắc SXH, những ca đã tử vong, về con muỗi vằn truyền bệnh được bàn tán xôn xao. Ấy vậy mà, khi chúng tôi tìm về những xóm trọ cho công nhân, những công trường xây dựng - nơi mà dịch luôn “rình rập” thì không ít người dân nơi đây lại có vẻ thờ ơ.

Tuyên truyền về dịch khó “phủ sóng”
Đến thăm xã Kim Chung, huyện Đông Anh vào một ngày mưa tháng 8, không khó để chúng tôi nhận ra trên tuyến đường liên xã Kim Chung – Kim Nỗ, từ đường Hương đi sang thôn Nhuế, thôn Bầu có rất nhiều khu đất trống, ao tù, nước đọng, ven đường cây cối mọc um tùm. Quanh đó là các khu lán trại, công trường xây dựng, chợ tạm, khu nhà trọ giá rẻ. Dừng chân tại một xóm trọ ở thôn Nhuế, đập vào mắt chúng tôi là những căn phòng xập xệ, ẩm thấp, nóng nực nằm san sát nhau, mỗi phòng chỉ nhỉnh hơn 10 mét vuông. Vì phòng ở quá chật hẹp, hành lang rêu mốc được tận dụng triệt để làm lối đi và nơi sinh hoạt. Đủ thứ, từ xe cộ, quần áo đến bếp ga, nồi xoong, chậu, chạn bát, xô chậu đựng nước… để khắp nơi. Phía đối diện, các chai lọ phế thải vứt chỏng chơ giữa vườn.
Người bệnh trong xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị luôn nơm nớp nỗi lo dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Hà Ngân
Luôn tay phe phẩy quạt ru con ngủ trong căn phòng nhỏ, chị Nguyễn Thị Thơm (31 tuổi, quê Vĩnh Phúc, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam) không ngần ngại chia sẻ: “Phòng trọ giá rẻ chật, hẹp lắm! Giá chỉ 500.000 đồng/tháng nên diện tích cũng chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc tủ con và một lối đi nhỏ. Thế mà 3 người nhà tôi sống ở đây được 2 năm rồi!”. Nhưng vấn đề chị Thơm e ngại hơn cả là ở đây dường như lúc nào cũng ẩm thấp, mưa vài trận là nước đọng lại ở khắp nơi, nhà cửa lại càng nhớp nháp. “Khu này thỉnh thoảng còn mất nước nên nhà nào cũng phải dự trữ vài thùng để đề phòng, mà không phải ai cũng có ý thức che đậy phòng bọ gậy, nhất là hiện nay đang có dịch SXH, chẳng biết trước được thế nào...”. Để phòng dịch, chị mắc màn cả ngày lẫn đêm đồng thời mua bình xịt muỗi về xịt quanh nhà, xoa kem chống muỗi cho con nhưng cũng chẳng ăn thua. Thỉnh thoảng, cu cậu nhà chị vẫn bị muỗi “chí” cho mấy vết. “Cách đây mấy tuần, khu trọ này cũng có người mắc SXH rồi, lúc nào tôi cũng nơm nớp lo, mình mà bị ốm thì ai chăm con mà không may con bị thì cũng chết tiền đi viện!” – chị Thơm thành thật.

Men theo con đường liên thôn, chúng tôi tiếp tục tìm đến một khu nhà trọ trong ngõ sâu của thôn Bầu, xã Kim Chung. Mặc dù là giữa trưa nhưng không gian nơi đây lại u tối như lúc xế chiều. Khu nhà trọ này có đến 20 phòng ở nhưng tất cả đều dùng chung một lối đi chỉ rộng khoảng hơn 1 mét. Phía trên lối đi được tận dụng để phơi quần áo. Hơi ẩm, mùi hôi bốc lên nồng nặc, nước đọng vũng trên lối đi và các chỗ trũng quanh các góc phòng. Rệu rã trở về phòng trọ sau ca làm đêm, chị Ngô Thị Hoàng Yến (24 tuổi, quê Thái Bình, đang làm việc tại Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam) thở dài: “Đời công nhân cơ cực lắm chị ơi! 8 tiếng “cắm” mặt vào công ty, cứ hễ về xóm trọ, nghĩ đến cái "lò bát quái” tối om, đặc mùi ẩm mốc... là thấy ớn. Ở đây, chúng em “được nghe nhạc không lời” từ dàn đồng ca muỗi, hễ mở cửa ra, muỗi bay vào nhà, đập, diệt không xuể.” – Vừa nói chị Yến vừa dùng tay đập muỗi chan chát.

Cũng biết dịch SXH đang hoành hành khắp nơi, những người công nhân như chị Thơm, chị Yến cũng chỉ biết tìm cách tự bảo vệ mình. Thế nhưng, chẳng phải ai cũng có ý thức phòng bệnh, ngay phòng trọ cạnh phòng chị Yến, một đôi vợ chồng trẻ ở với nhau nhưng lọ hoa hồng ở góc phòng đã héo rũ, nước trong lọ đã lẩn mẩn rêu xanh, chắc chắn trong đó đã có bọ gậy. Một góc khu nhà trọ, vỏ lon bia, mấy mảnh bát vỡ, rồi đủ thứ phế thải được dồn vào trong một cái thùng nhỏ ngập nước mưa. Muỗi truyền bệnh SXH chẳng ở đâu xa, đẻ trứng vào mấy chỗ đấy rồi lại từ chỗ đấy mà nở ra... Chủ tịch UBND xã Kim Chung Nguyễn Chiến Thắng cũng thừa nhận, những đợt tuyên truyền về dịch SXH khó “phủ sóng” đến đối tượng công nhân thuê trọ. Do đặc thù công việc, những công nhân này phải làm ca nên cứ đi làm về là họ ngủ. Chẳng mấy người bận tâm đến phòng dịch.

Lo bệnh chồng bệnh

Chật chội, ẩm thấp không kém mấy khu nhà trọ của người lao động, ở khu nhà trọ giá rẻ của những bệnh nhân ung thư quanh khu vực cổng Bệnh viện K cơ sở 2 (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) dịch SXH cũng luôn “rình rập”. Biết Thanh Trì là một trong 12 quận/huyện “báo động đỏ” về SXH của Hà Nội nên những bệnh nhân trong xóm trọ lúc nào cũng sống trong lo sợ. 50.000 đồng/người/ngày, khoảng 5 - 6 bệnh nhân chen chúc nhau trong một căn phòng chừng 10 mét vuông. Cả dãy trọ gần 5 phòng chung nhau một nhà vệ sinh nồng, mấy xô chứa nước dội trong nhà vệ sinh đều đã mọc rêu xanh, soi đèn vào thấy cả ổ bọ gậy ngoe nguẩy bơi.
Tìm kiếm bọ gậy tại một hộ gia đình trong ngõ 282 Thụy Khuê. 
Dáng người gầy gò, tiều tụy do căn bệnh ung thư phổi hành hạ, ông Nguyễn Đình Thản (54 tuổi, quê Thanh Hóa) chia sẻ, người bệnh nào đã đến đây ở trọ thì cũng đều dốc sạch tiền chữa bệnh nên chỉ dám chọn những phòng trọ giá rẻ. Ở đây, điều kiện sinh hoạt không tốt, chật hẹp, nóng nực, muỗi thì bay hàng đàn nên ai cũng lo bị “dính” SXH. “Ai mà mắc SXH thì bệnh lại chồng bệnh, như vậy chắc không sống nổi. Tôi thấy chính quyền địa phương cũng đã đi phun thuốc quanh mấy khu nhà trọ, cũng phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân cách phòng bệnh, mọi người cũng nhắc nhở nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường, để ý diệt bọ gậy quanh nhà. Chỉ mong dịch SXH đừng tràn đến xóm trọ nghèo này” – ông Thản ngậm ngùi.

Khu xóm trọ của hơn 130 bệnh nhân chạy thận trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) cũng chung nỗi niềm như vậy. Trong con ngõ này có khoảng 50 phòng trọ nhưng cũng đều ẩm thấp, chật hẹp, điều kiện sinh hoạt rất hạn chế. Ngày nắng thì nóng như thiêu đốt, ngày mưa thì lại dột tứ phía. Đa số bệnh nhân ở đây cũng đều có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật đeo bám, mạng sống như “ngọn đèn treo trước gió”, giờ lại thêm nỗi lo bệnh SXH “tấn công” mình.

Kiến thức phòng bệnh mơ hồ

Rời xóm trọ nghèo, chúng tôi tìm đến những công trường xây dựng ở phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) – nơi có số ca mắc bệnh SXH cao nhất quận. Anh Dương Quý Hiệp (quê Hải Dương) đang làm công nhân tại đây khẳng định: "Ở đây làm gì có muỗi. Chúng tôi cùng với chính quyền đã phun thuốc diệt muỗi mấy lần rồi, nên không có chuyện có dịch bệnh đâu. Nhiều hôm ngủ, chúng tôi không cần mắc màn". Nhiều công nhân khác trong khu công trường này cũng có suy nghĩ như anh Hiệp. Kiến thức phòng bệnh mơ hồ, thời tiết lại nắng nóng, ngủ trưa cũng như ngủ tối, mấy anh em công nhân đều cởi trần rồi bật quạt để đuổi muỗi.

Ngay tại các hộ gia đình sống trong các khu dân cư trí thức, mặc dù được chính quyền địa phương tuyên truyền nhắc nhở thường xuyên về cách thức phòng bệnh và kêu gọi diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng nhiều người cũng còn “lơ mơ” về ý nghĩa của những việc này. Theo chân đội xung kích diệt bọ gậy đến với một gia đình trong ngõ 282 Thụy Khuê, khi đội kiểm tra phát hiện những lọ chứa nước trồng cây phát lộc, họng ống thoát nước và dụng cụ trên sân thượng đọng của gia đình chứa đầy bọ gậy thì chủ nhà tỏ ra ngạc nhiên. “Mấy ngày nay không thấy có muỗi trong nhà vì lực lượng chức năng vừa phun cách đây một tuần nên tôi cứ nghĩ chắc bọ gậy cũng chết hết cả rồi”. Ông Lê Văn Sinh, người dân ở ngõ 282, Thụy Khuê, Tây Hồ cũng băn khoăn: “Muỗi ở đây không nhiều nhưng tại sao vẫn có bệnh nhân SXH. Riêng ngõ này đã có hơn 10 bệnh nhân. Tôi chưa hiểu nguyên nhân vì sao mặc dù đã phun hóa chất rất quyết liệt”.

Thực tế, phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp “hạ hỏa” tạm thời và chỉ có thể diệt được muỗi trưởng thành đang mang virus gây bệnh, không có tác dụng diệt lăng quăng, bọ gậy. Do vậy, để có thể dập được dịch SXH, những người dân như ông Sinh, chị Thơm, chị Yến và tất cả người dân TP cần chung tay tiêu diệt các ổ bọ gậy quanh nơi ở. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của các cấp chính quyền cùng người dân, dịch SXH ở Hà Nội sẽ sớm được dập tắt.