Điềm báo

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Ở cuộc bầu cử Quốc hội Thụy Điển vừa qua, điều đáng được chú ý đến nhất không phải phe cánh nào giành về phần thắng và sẽ thành lập chính phủ mới mà là sự trỗi dậy đầy ấn tượng của phe cánh hữu. Phe này đã giành về được tỷ lệ phiếu bầu ngang ngửa với phe xã hội dân chủ và cánh tả.

Xu hướng biến động chính trị xã hội thiên lệch về phía hữu ở đất nước vốn sâu nặng truyền thống xã hội dân chủ cánh tả này ở châu Âu xem ra không những chỉ tiếp tục gia tăng mà còn dường như đã trở nên không còn có thể đảo ngược được nữa. Xu hướng này tác động tới không chỉ tương lai chính trị ở Thụy Điển mà còn cả ở nhiều nơi khác nữa trên châu lục.

Lý do ở chỗ những nhân tố tác động giúp cho xu hướng biến động chính trị xã hội ấy gia tăng ở Thụy Điển hiện tại cũng thấy hiện diện ở những nơi kia. Nhân tố thứ nhất là vấn đề người tỵ nạn và người nước ngoài di cư vào châu Âu từ năm 2015.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của cánh hữu và cực hữu ở Thụy Điển có nguồn gốc trực tiếp và có được động lực quyết định nhất từ đấy. Nhân tố tiếp theo là tác động và hệ lụy của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Việc Thụy Điển gia nhập NATO, đối địch Nga và hậu thuẫn Ukraine tuy làm hài lòng EU và NATO nhưng không được cánh hữu và cực hữu ở đất nước này hoàn toàn ủng hộ. Tâm trạng chung ở bộ phận lực lượng chính trị xã hội ấy là không sẵn sàng chịu trả giá bất lợi cho chính họ chỉ để giúp Ukraine chiến tranh với Nga.

Những hệ lụy như lo ngại về phản ứng trả đũa của Nga, giá cả sinh hoạt và năng lượng gia tăng, tỷ lệ lạm phát cao vọt, triển vọng tăng trưởng kinh tế mờ mịt và cuộc chiến ở Ukraine chưa biết đến khi nào mới đi đến hồi kết đều là những chủ đề nội dung chính trị - xã hội có lợi cho phe cánh hữu, cực hữu và dân túy. Cho nên kết quả cuộc bầu cử quốc hội ở Thụy Điển rất có thể còn là điềm báo cho cả châu Âu trong thời gian tới.