Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm danh 8 chủ đầu tư “xin dự án rồi lặn mất tăm” tại Mê Linh

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi huyện Mê Linh sáp nhập về TP Hà Nội, trên địa bàn huyện có 47 dự án đô thị với tổng diện tích khoảng 1.700ha. Sau hàng chục năm, tiến độ triển khai 47 dự án này đến nay vẫn rất chậm.

Liên quan tới nguyên nhân chậm tiến độ của 47 dự án đô thị, đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết, từ năm 2008, sau khi huyện Mê linh sáp nhập về TP Hà Nội, các dự án phải tạm dừng triển khai để thực hiện rà soát quy hoạch chung của Thủ đô mở rộng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 240/TB-VPCP ngày 5/9/2008 và Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 28/10/2008 của UBND TP Hà Nội.
 Hàng chục căn hộ đã cơ bản hoàn thành bị bỏ không tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh
Từ năm 2013 – 2015, UBND TP Hà Nội công bố các quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị. Các chủ đầu tư sau đó đã liên hệ với các sở ngành của TP để được hướng dẫn về việc tiếp tục thực hiện các bước như: Điều chỉnh quy hoạch 1/500, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư (nếu có)… Đây được xem là nhóm nguyên nhân đầu tiên dẫn tới việc 47 dự án đô thị tại huyện Mê Linh chậm triển khai, khiến hàng ngàn héc-ta đất nông nghiệp bị bỏ không.
Mãi tới năm 2018, UBND huyện Mê Linh mới tổ chức hội nghị, mời các nhóm doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án vốn ngoài ngân sách báo cáo tiến độ thực hiện. Đại diện Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Mê Linh thông tin, cùng với nguyên nhân được đề cập ở trên, một lý do cũng được các chủ đầu tư nêu ra liên quan tới thị trường bất động sản “đóng băng”. Đây được xem là một nguyên nhân khác khiến các chủ đầu tư không mấy mặn mà triển khai tiếp các dự án đô thị.  
 Tấm biển dự án sau nhiều năm đã bạc màu, trong khi dự án vẫn... nằm trên giấy
Đáng chú ý, khi có tới 8 chủ đầu tư xin cấp phép xây dựng dự án đô thị, nhưng đến nay UBND huyện Mê Linh không thể liên lạc được! Hiện, chủ đầu tư của 8 dự án này vẫn chưa thực hiện bất cứ thủ tục nào để triển khai giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng. 8 dự án được đề cập và chủ đầu tư tương ứng (trong ngoặc kép) gồm: Khu đô thị mới Prime Group (Công ty CP Prime Group); Khu đô thị mới Vinalines (Công ty CP bất động sản Vinalines); Khu đô thị mới BMC Thăng Long (Công ty CP vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại BTM); Khu đô thị mới Việt Á (Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á); Khu đô thị biệt thự nhà vườn Chi Đông (Công ty đầu tư xây dựng và phát triển thương mại Mê Linh); Trung tâm thương mại và biệt thự cao cấp Vạn Niên (Công ty CP đầu tư và thương mại Vạn Niên); Khu biệt thự nhà vườn CIT (Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển thương mại CIT).
 Đất dự án đô thị trở thành địa điểm tập kết phê liệu 
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, trước diễn biến trên, địa phương đã có văn bản đề nghị và UBND TP Hà Nội đã ban hành các quyết định thu hồi diện tích đất đã giao đối với 4 dự án với tổng diện tích 267,8ha. Cụ thể là các dự án khu đô thị mới: Prime Group, Vinalines, BMC Thăng Long và Việt Á. Trong số 4 dự án còn lại, có 2 dự án được TP Hà Nội gia hạn sử dụng đất là các dự án: Trung tâm thương mại chung cư và biệt thự cao cấp Vạn Niên; Khu đô thị biệt thự nhà vườn Chi Đông. Đối với 2 dự án còn lại, UBND huyện Mê Linh đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình UBND TP Hà Nội xem xét xử lý trong thời gian tới.