Điểm mặt các chính khách có trong "hồ sơ Pandora" gây chấn động

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồ sơ Pandora mới được công bố đã phanh phui hàng loạt bê bối tài chính của nhiều yếu nhân trên thế giới, trong đó có cả các chính khách.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, người dự kiến tái đắc cử trong tuần này, đang phải chịu áp lực giải trình về một lâu đài trị giá 22 triệu USD ở miền Nam nước Pháp. Các tài liệu thuộc hồ sơ Pandora mới hé lộ, vào năm 2009, ông Babis đã mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD gần Cannes, Pháp.
Chia sẻ về vấn đề này, Thủ tướng CH Séc khẳng định, cho rằng những tiết lộ trong Hồ sơ Pandora về ông là một phần của nỗ lực nhằm “tác động đến cuộc bầu cử ở Séc”.
Trên tài khoản Twitter chính thức, ông Babis nhấn mạnh rằng cá nhân ông không làm điều gì “bất hợp pháp hay sai trái”.
 Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis. Ảnh: The Guardian. 
Những tiết lộ này bổ sung vào danh sách luồng ý kiến phản đối mà Thủ tướng Séc phải đối mặt trên con đường nắm quyền trở lại. Vào tháng 6, cảnh sát Séc đã cáo buộc ông Babiš gian lận lấy được 2 triệu Euro trong quỹ của EU để xây dựng một khách sạn.
Thông tin trong Hồ sơ Pandora cũng khẳng định, Vua Jordan Abdullah II bin Al-Hussein đã bí mật tích lũy khối bất động sản trị giá gần 95 triệu USD ở Anh và Mỹ. Họ phát hiện Vua Abdullah sử dụng một mạng lưới các công ty offshore (công ty ngoại biên, đăng ký, hoạt động tại nước ngoài) đặt ở Quần đảo Virgin thuộc Anh và các thiên đường thuế khác để mua 15 bất động sản kể từ khi ông lên năm quyền vào năm 1999.  Chúng bao gồm một bất động sản có ba mặt hướng biển trị giá gần 67,7 triệu USD ở Malibu, California, Mỹ, cùng nhiều bất động sản khác ở London và Ascot, Anh.
Thông tin về khối tài sản ở nước ngoài của Vua Abdullah được công bố trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình gần đây liên tục nổ ra tại Jordan nhằm phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tăng thuế của chính quyền.
 Hồ sơ Pandora cáo buộc Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và gia đình ông tham gia vào thương vụ mua bất động sản lớn ở Anh. 
Các tài liệu trong Hồ sơ Pandora còn cáo buộc Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và gia đình ông đã tham gia vào các thương vụ mua bán bất động sản tại Anh với giá trị trên 541 triệu USD, cũng thông qua các công ty ngoại biên. Theo hồ sơ này, gia đình Tổng thống Aliyev đã mua 17 bất động sản, trong đó có một tòa nhà văn phòng trị giá gần 44,7 triệu USD ở Mayfair, London, đứng tên con trai ông là Heydar Aliyev khi cậu bé mới 12 tuổi.
Tòa nhà ở Mayfair được mua bởi một công ty bình phong thuộc sở hữu của một người bạn với gia đình Tổng thống Aliyev vào năm 2009, hồ sơ tiết lộ. Một tháng sau đó, nó được chuyển cho Hedyar.
Những tiết lộ đặt ra câu hỏi về những lỗ hổng tiềm ẩn trong hệ thống đăng ký tài sản của Vương quốc Anh và liệu chúng có ngăn cản quá trình thẩm định phù hợp, ngay cả bởi một cơ quan thuộc sở hữu danh nghĩa của hoàng gia Anh.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, người được bầu vào năm 2019 với cam kết làm trong sạch nền kinh tế nổi tiếng tham nhũng và chịu ảnh hưởng của giới tài phiệt của đất nước, cũng có tên trong vụ rò rỉ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Zelenskiy được cho là đã chuyển 25% cổ phần trong một công ty nước ngoài cho một người bạn thân hiện đang làm cố vấn hàng đầu của tổng thống, hồ sơ Pandora cho thấy.
 Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy.
Trong khi đó, theo Hồ sơ Pandora, các thành viên thuộc nội các của chính quyền Thủ tướng Pakistan Imran Khan, bao gồm các bộ trưởng và gia đình của họ, được cho là bí mật sở hữu các công ty và quỹ tín thác nắm giữ hàng triệu USD. Trước thông tin này, Thủ tướng Khan tuyên bố, sẽ điều tra tất cả các công dân nước này có liên quan hồ sơ”.
Tổ chức Oxfam gọi Hồ sơ Pandora là sự phơi bày gây sốc về “đại dương tiền” đang nằm trong bóng tối của các “thiên đường thuế” trên thế giới. Tổ chức này nhấn mạnh, không thể cho phép các “thiên đường thuế” tiếp tục nới rộng khoảng cách về bất bình đẳng toàn cầu, trong khi thế giới đang chứng kiến tình trạng nghèo đói cùng cực gia tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên qua.
Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ thông tin mới nhất, sau Hồ sơ Panama (năm 2016) và Hồ sơ Paradise (năm 2017). 
Toàn bộ dữ liệu trong hồ sơ Pandora đã được tiết lộ cho Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) ở Washington. Cuộc điều tra hồ sơ này có sự tham gia của khoảng 600 nhà báo từ hàng chục hãng truyền thông như The Washington Post của Mỹ và The Guardian của Anh.
Với 2,94 terabyte dữ liệu, việc xác thực Hồ sơ Pandora là cuộc kiểm định lớn nhất do ICIJ tổ chức cùng một nhóm gồm 150 tờ báo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần