Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: iPhone X mở bán giá chênh lệch từng giờ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - IPhone X chính thức mở bán, cáp quang biển SMW-3 sẽ sửa xong đầu tháng 12, website của Ford và Chevrolet Việt Nam bị tấn công... là điểm nhấn tuần qua.

iPhone X mở bán giá chênh lệch từng giờ

 
Theo ghi nhận, chiếc iPhone X đầu tiên đã về đến Việt Nam vào sáng 3/11 tại cửa hàng ở TP.HCM với giá mở bán lên tới 68 triệu đồng. Tuy nhiên, càng về sau đó giá iPhone X càng giảm do hàng "đổ" về nhiều.
Cụ thể, giá một chiếc iPhone X về Việt Nam ở mức hơn 58 triệu (cao hơn gấp đôi giá gốc của iPhone X được mở bán tại Apple Store, khoảng 27 triệu bản iPhone X 64GB).
Đúng như dự đoán của một số chủ cửa hàng bán smartphone nhiều năm tại TP. HCM, sau vài giờ, giá iPhone X đã giảm sốc. Cụ thể, sau 7 giờ đồng hồ kể từ thời điểm Apple mở bán, giá iPhone X về Việt Nam vào cuối buổi chiều đã về mức hơn 40 triệu đồng (giảm gần 20 triệu đồng so với sáng nay).
Theo chủ một chuỗi cửa hàng di động tại TP.HCM, sở dĩ giá iPhone X giảm sốc chỉ sau vài tiếng là do lượng hàng vừa về với số lượng lớn. Số người Việt đông đảo xếp hàng nhiều ngày qua tại Singapore và Úc đã chuyển hàng về đồng loạt.
Tuy giá iPhone X đã hạ nhiệt, nhưng dự kiến mức giá này sẽ được duy trì trong tuần đầu tiên mở bán, do nguồn cung của Apple chưa thực sự dồi dào.
Website của Ford và Chevrolet Việt Nam bị tấn công
 
Website của 2 thương hiệu xe Mỹ Ford và Chevrolet Việt Nam ngày 2/11 bị một nhóm hacker tấn công. Hiện, khi truy cập 2 website này, trên màn hình chỉ hiển thị lời nhắn của hacker.
Theo thông tin được nhiều người dùng phản ánh, sáng nay, 2/11, người dùng không truy cập được vào trang web của Ford và Chevrolet Việt Nam và các website này hiện đang nằm trong tầm ngắm của một nhóm hacker.
Cho đến thời điểm hiện tại, khi truy cập trang web của Ford Việt Nam (tại địa chỉ www.ford.com.vn) và Chevrolet (tại địa chỉ www.chevrolet.com.vn), thông tin hiển thị là màn hình đen và dòng tin nhắn của nhóm hacker này: We Just Want To Have Some Fun (tạm dịch: Chúng tôi chỉ muốn vui vẻ một chút).
Thậm chí, nhóm hacker này cũng để lại các thông tin cụ thể về nhóm mình với lời nhắn "We are Turkish Hackers!" trong đó có thông tin về tên và cả địa chỉ trên Twitter.
Được biết, nhóm hacer này có tên JRB với 3 thành viên mang tên Jonturk75 & RootDevilz và Bozkurt97 đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, nhóm này cũng để lại địa chỉ công khai trên Twitter.
Tài khoản Twitter của tổng thống Trump bất ngờ bị khóa
 
Tài khoản Twitter của tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ bị khóa và biến mất trên hệ thống của Twitter vào lúc 7h tối ngày 2/11 (theo giờ Mỹ). Khi người dùng truy cập vào tài khoản Twitter của tổng thống Trump hoặc tìm kiếm tài khoản này đều nhận được thông báo “trang không tồn tại”.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng liệu chăng tài khoản Twitter của tổng thống Trump có bị tin tặc tấn công và chiếm đoạt hay không, và nếu điều này xảy ra hẳn sẽ dẫn đến những hệ lụy rất lớn khác.
Tuy nhiên thực chất đây là một lỗi từ phía Twitter và tài khoản của tổng thống Trump chỉ bị khóa trong vòng 11 phút và sau đó đã được mở lại bình thường.
Đại diện của Twitter sau đó cho biết việc tài khoản của ông Trump bị khóa là lỗi liên quan đến con người, và sau khi tiến hành điều tra, Twitter cho biết đây là hành động của một nhân viên bất mãn, người chuẩn bị nghỉ việc và gây ra sự cố trong ngày làm việc cuối cùng của mình.
Cáp quang biển SMW-3 sẽ sửa xong đầu tháng 12
 
Ngày 1/11, theo thông tin từ VNPT, do đối tác quốc tế chưa bố trí được kế hoạch nên thời gian xử lý sự cố trên tuyến cáp biển SMW-3 sẽ bị kéo dài và dự kiến lịch sửa chữa bắt đầu từ ngày 28/11 đến ngày 22/12/2017.
Đại diện VNPT cũng cho biết thêm, kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố nêu trên đối với tuyến cáp quang biển SMW-3 có thể thay đổi, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Trước đó, ngày 12/10, biển AAG và cả tuyến cáp SMW-3 cũng đồng loạt gặp sự cố. Trước đó, vào lúc 5h10 ngày 10/10, sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển quốc tế SMW-3 và đến 7h 20 phút ngày 12/10 tiếp tục gặp vấn đề do lỗi cáp tại vùng biển gần Trung Quốc.
Tuyến cáp quang SMW-3 là một hệ thống cáp quang ngầm viễn thông được đưa vào sử dụng tháng 9/1999 và hoàn thành vào cuối năm 2000. Được xây dựng bởi France Telecom và China Telecom, do Sing Tel quản lý, SMW-3 là tuyến cáp quang duy nhất đi theo chiều kết nối từ châu Á sang Ấn Độ, vào châu Âu, các tuyến còn lại đều đi theo hướng sang Châu Mỹ qua đảo Guam và Hawaii.
Tuyến cáp quang sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang có dung lượng hệ thống là 320Gbps nối Việt Nam với 39 nước trên thế giới. Tại Việt Nam, tuyến cáp quang biển này cập bờ tại Đà Nẵng.