Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn kinh tế tuần: Bãi bỏ Thông tư 20 của Bộ Công Thương

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định về số phận của Thông tư 20 gây tranh cãi trong suốt thời gian qua là sự kiện kinh tế đáng chú ý nhất trong tuần.

Thông tư 20 có những việc không tốt 

Tại cuộc họp với các thành viên Chính phủ vừa diễn ra hôm 31/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Thông tư 20 có những việc không tốt và bỏ Thông tư 20 thì phải có biện pháp thay thế để quản lý tốt hơn các vấn đề thị trường và xã hội phát sinh. Đây là văn bản đã và đang gây nhiều ý kiến dư luận trong suốt thời gian qua dù hiệu lực thực thi của Thông tư này đã hết.

 
Thông tư 20 được cho là rào cản của nhập khẩu xe nguyên chiếc
Thông tư 20 được cho là rào cản của nhập khẩu xe nguyên chiếc
Thủ tướng cho rằng: "Chúng ta cần mở ra không gian mới cho việc phát triển, tạo điều kiện kích thích kinh doanh của người dân, DN trong các ngành và lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có biện pháp quản lý tốt hơn về thị trường và xã hội, đặc biệt tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển tốt nhất nhằm đảm bảo lợi ích đất nước".

"Không thể biến hàng chục triệu hộ gia đình thành các hộ kinh doanh ô tô được. Ngoài ra, chúng ta cũng phải quản lý tốt được thị trường và các điều kiện bảo hành, bảo dưỡng, giá cả và các hoạt động trốn thuế nếu phát sinh", Thủ tướng nêu rõ.

Thông tư 20 được Bộ Công Thương ban hành và có hiệu lực vào tháng 6/2011 và hết hiệu lực vào 1/7/2016 với quy định: các DN và thương nhân nhập khẩu xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy ủy quyền nhà nhập khẩu hay nhà phân phối. Đồng thời, DN phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn được Bộ GTVT cấp.

Sau thời gian hết hiệu lực thực thi, Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì xây dựng Thông tư trên đã đưa 1 quy định của Thông tư trên thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương và trình Chính phủ thông qua.

Trước ý kiến phản đối của dư luận, mới đây Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ về việc đồng ý bãi bỏ Thông tư 20. Tuy nhiên, Bộ này cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan ban hành sớm các quy định trong nước có tác dụng tương đương Thông tư 20.

Thoái vốn Nhà nước tại Habeco, Sabeco ngay trong 2016

Trong tuần qua, Thứ trưởng Công Thương, Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ quan này đã "chốt" lộ trình niêm yết, phương án thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Rượu - bia - nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Sài Gòn (Sabeco). Hiện Nhà nước vẫn đang nắm giữ gần 82% vốn điều lệ tại Habeco và 89,6% tại Sabeco.

 
Hết 2017 sẽ thoái hết vốn tại Habeco và Sabeco
Hết 2017 sẽ thoái hết vốn tại Habeco và Sabeco
Cụ thể, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 82% vốn đang nắm giữ tại Habeco, tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016. Riêng lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ chia làm 2 đợt: Đợt 1 thoái 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016; Đợt thứ 2 sẽ thoái tiếp 36% còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Riêng về giá bán, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập (trong nước hoặc nước ngoài) để thẩm định. Trong trường hợp DN đã niêm yết thì lấy giá giao dịch trên sàn làm tham chiếu khi đấu giá bán vốn, không phân biệt thành phàn kinh tế, ngành nghề kinh doanh tham gia vào đấu giá.

“Việc thoái vốn tại 2 doanh nghiệp này sẽ đảm bảo theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh, chống độc quyền và lợi ích nhóm”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Ngân hàng phải tăng cường phòng chống rủi ro trong thanh toán

Đây là yêu cầu mới được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra sau hàng loạt vụ báo mất tiền trong tài khoản thanh toán của cá nhân và DN xảy ra gần đây.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cụ thể, các ngân hàng cần đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ và hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán, bao gồm cả phương thức truyền thống và điện tử. Đối với hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán trực tuyến, các nhà băng cần triển khai hình thức bảo mật cho hệ thống như phát hiện, giám sát, ngăn chặn các giao dịch gian lận, đáng ngờ về thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, hạn mức thanh toán, số lần xác thực sai hoặc các dấu hiệu bất thường khác. 

Các ngân hàng cũng cần có giải pháp phát hiện sớm các trang web lừa đảo trực tuyến để khuyến cáo cho khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng không bớt xén các công đoạn, quy trình nghiệp vụ. Khi có các rủi ro, gian lận xảy ra phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và phối hợp với khách hàng, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các đơn vị liên quan xử lý nhanh, chính xác, đúng quy định và sớm thông tin cho khách hàng

Đối với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Thống đốc cũng yêu cầu đưa nội dung thanh tra về công nghệ thông tin trong hoạt động thanh toán vào chương trình thanh tra, kiểm tra định kỳ.

Tạm dừng khai thuế qua mạng, nộp thuế và hóa đơn điện tử từ 1/9

Tổng cục Thuế vừa ra thông báo về việc tạm dừng hệ thống Khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực để phục vụ kiểm tra hoạt động các ứng dụng tại Trung tâm dữ liệu dự phòng.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo đó, hệ thống Kê khai qua mạng tạm dừng hoạt động từ 18h00 ngày 01/9/2016 đến 18h00 ngày 04/9/2016.

Hệ thống Nộp thuế điện tử tạm dừng hoạt động từ 18h00 ngày 01/9/2016 đến 18h00 ngày 04/9/2016.

Hệ thống Hóa đơn điện tử có mã xác thực tạm dừng hoạt động từ 19h00 ngày 01/9/2016 đến 22h00 ngày 01/9/2016 và từ 19h00 ngày 02/9/2016 đến 22h00 ngày 02/9/2016.

Trên cơ sở thời gian tạm dừng, người nộp thuế chủ động thu xếp thời gian thực hiện kê khai qua mạng, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực.

Ngoài thời gian được công bố tạm dừng như trên, Tổng cục Thuế cho biết, các hệ thống kê khai qua mạng, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực vẫn hoạt động bình thường.