70 năm giải phóng Thủ đô

Điểm sàn “chạm đáy”

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, điểm đầu vào của một số trường thấp kỷ lục khi xét tuyển 4 điểm/môn. Thực tế này khiến không ít người lo lắng về chất lượng đào tạo của lứa sinh viên này.

 Thí sinh nghe tư vấn tuyển sinh đại học tại trường ĐH Bách khoa ngày 21/7. Ảnh: Mạnh Dũng

Điểm xét tuyển thấp

Đại học (ĐH) Nội vụ cơ sở chính ở Hà Nội xét tuyển thấp nhất là 13 điểm với ngành Thông tin - Thư viện và chuyên ngành Chính sách công; Lưu trữ học; Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. ĐH Nội vụ tại phân hiệu Quảng Nam xét tuyển từ 12 - 13 điểm với những ngành Luật, Quản trị nhân lực, Quản trị văn phòng, Quản lý Nhà nước...

Năm 2019, ĐH Thái Nguyên tuyển gần 11.000 chỉ tiêu cho 10 trường, khoa thành viên. Điểm sàn xét tuyển dao động từ 13 - 21 điểm. Hai trường thành viên: ĐH Nông lâm và ĐH Khoa học hay một số khoa lấy ngưỡng điểm sàn là 13. Tại ĐH Xây dựng miền Trung (trụ sở chính tại Phú Yên) và phân hiệu tại Đà Nẵng, 13 điểm cũng là điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào các ngành Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông... Năm ngoái, ĐH Xây dựng miền Trung tại Phú Yên xét tuyển hồ sơ 13 điểm và tại phân hiệu Đà Nẵng nhận hồ sơ từ 11 điểm. Tất cả các ngành của ĐH Quảng Nam cũng nhận xét tuyển từ 13 điểm (trừ các gành đào tạo sư phạm). Đối với hệ cao đẳng, trường nhận hồ sơ xét tuyển từ 11 điểm. Không chỉ các ĐH tại miền Bắc và miền Trung có điểm sàn “chạm đáy”, một số trường ĐH tại miền Nam cũng có mức sàn thấp. Như ĐH Xây dựng miền Tây lấy điểm sàn là 13 điểm cho các ngành trong trường và đây cũng là điểm sàn của tất cả ngành đào tạo ĐH chính quy của trường năm ngoái. Nhiều ngành của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có điểm xét tuyển là 12 điểm.

Trước tình trạng điểm sàn nhiều trường quá thấp, nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục ĐH là giáo dục bậc cao, các trường không nên đánh đổi “chất” để lấy “lượng”.

Quan trọng là sản phẩm đầu ra

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, các trường ĐH lấy điểm học bạ hay điểm thi THPT Quốc gia để xét tuyển đầu vào chỉ là căn cứ, vì có trường lấy điểm cao, có trường lấy thấp tùy theo sứ mệnh mỗi trường. Còn khi thí sinh trúng tuyển, nhà trường nên đưa ra các giải pháp kèm theo như tổ chức kiểm tra, đánh giá lại thí sinh theo yêu cầu của khoa, của trường. Nếu đáp ứng được thì thí sinh tiếp tục học, còn chưa đạt thì bồi dưỡng thêm để nâng cao trình độ theo học khối ngành đã chọn.

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, ngưỡng điểm xét tuyển chỉ là tương đối, không quyết định chất lượng đào tạo cũng như chuẩn đầu ra. Để đạt được kết quả tốt, sinh viên phải có ý chí vươn lên trong học tập, nhà trường phải đưa ra phương hướng, hoạch định đào tạo. Vị thế, chất lượng của trường hoàn toàn phụ thuộc vào sản phẩm đầu ra.

Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - TS Hoàng Ngọc Vinh cho biết, các trường phải có trách nhiệm đảm bảo chuẩn đầu ra và giải trình với xã hội khi hạ thấp điểm sàn; còn nếu các trường không đáp ứng được các tiêu chí tuyển sinh thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, đầu vào là một điều kiện, còn quá trình đào tạo như thế nào, tuân thủ các quy định pháp luật, khung trình độ quốc gia mới là yếu tố quan trọng. Các trường ĐH phải luôn xác định chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu của người lao động và của nhà tuyển dụng.