Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm sàn ĐH, CĐ dựa trên năng lực thí sinh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những ngày thi đại học, cao đẳng năm 2013 vừa khép lại. Hàng triệu lượt thí sinh và gia đình đang hồi hộp chờ đợi ngày công bố kết quả điểm thi. Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng cũng đang nỗ lực đôn đốc hoàn tất công tác tuyển sinh để đón nhận lứa sinh viên đủ năng lực, tâm huyết theo học ngành đã chọn.

Để giải đáp các thắc mắc của phụ huynh và thí sinh xung quanh công tác chấm thi năm nay chúng tôi đã có bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga.
 
Điểm sàn ĐH, CĐ dựa trên năng lực thí sinh - Ảnh 1
Thí sinh nghe phố biến quy chế thi tại hội đồng thi trường Trần phú (Đà Nẵng).
 
Cuối tháng 7 sẽ kết thúc công tác chấm thi
 
- Thưa Thứ trưởng Bùi Văn Ga, nhiều thí sinh cho rằng đề thi năm nay dễ hơn mọi năm. Đánh giá của Thứ trưởng về nhận định này như thế nào? Liệu điểm trúng tuyển năm nay có cao hơn năm trước?
 
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chúng ta đã kết thúc 3 đợt thi đại học, cao đẳng. Đề thi nói chung được xã hội cũng như phụ huynh đánh giá là tốt; có tính phân loại cao, có phần dễ, phần trung bình và phần khó, có phần rất khó.
 
Tùy thuộc vào năng lực mà thí sinh có mức độ làm bài khác nhau. Những em thật xuất sắc có thể làm hết câu hỏi, những em trung bình cũng vẫn làm được một số câu để đạt điểm trung bình. Đề thi dễ hay khó tùy thuộc vào năng lực học sinh.
 
Qua kiểm tra một số trường về công tác chấm thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy những trường tốp trên có học sinh đạt điểm cao, khá giỏi nhưng điểm tuyệt đối cũng không nhiều lắm. Những trường tốp dưới trước đây có nhiều thí sinh chỉ được 0-1 điểm thì năm nay điểm đã được nâng lên, các em cũng đã làm được một số câu.
 
Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc ra đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là không quá dài, không quá khó, phải nằm trong chương trình phổ thông. Những phần đã giảm tải không được đưa vào đề thi; không có câu hỏi mẹo đánh đố học sinh.
 
Đề thi nhằm mục đích kiểm tra kiến thức cơ bản và khả năng ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống. Để đạt được sự thay đổi này, năm nay Bộ đã thay đổi cơ cấu ban đề thi với sự tham gia đông đảo hơn của các thầy cô giáo bậc phổ thông; có sự phối hợp hài hòa giữa giáo viên phổ thông và giảng viên đại học trong ban đề thi nhằm giúp đề thi vừa sức học sinh, đạt yêu cầu của bậc đại học, cao đẳng.
 
Còn quá sớm để nói điểm xét tuyển năm nay cao hay thấp. Theo quy định, đến cuối tháng 7 các trường sẽ hoàn tất khâu chấm thi và báo cáo về Bộ, sau đó sẽ thống kê để biết kết quả năm nay cao hay thấp để có phương án điểm xét tuyển.
 
- Thứ trưởng có thể cho biết trình tự chấm thi sẽ tiến hành như thế nào để đảm bảo chính xác? Đề thi những môn xã hội được đánh giá là mang tính mở, đề cao tính sáng tạo, vậy Bộ có điều chỉnh như thế nào về công tác chấm thi cho phù hợp?
 
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Quy chế chấm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng được quy định rất rõ trong quy chế tuyển sinh. Các bài thi tự luận của thí sinh được chấm theo 2 vòng. Trong quá trình chấm thi, môn tự luận cũng như môn trắc nghiệm, người chấm không được làm tròn điểm từng bài thi, mà phải làm tròn đối với 3 môn thi bằng cách làm tròn tự động trên máy.
 
Đối với các đề ra dạng mở thì đáp án theo dạng mở, nếu thí sinh không làm theo đúng hoàn toàn đáp án nhưng có ý tưởng hay, có lý lẽ thuyết phục để biện luận cho ý tưởng của mình thì vẫn có thể đạt điểm tối đa. Mặt khác, thí sinh có ý tưởng sáng tạo thì giáo viên chấm thi có thể đề nghị trưởng ban chấm thi cho điểm thưởng, nhưng không quá 1 điểm.
 
Sẽ xem xét phương thức tính điểm sàn dựa trên năng lực của thí sinh
 
- Thứ trưởng có thể cho biết những nguyên tắc và định hướng xác định điểm sàn năm nay?
 
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Điểm sàn sẽ do hội đồng điểm sàn họp để xem xét, sau đó tư vấn Bộ trưởng ra quyết định điểm sàn phù hợp với từng khối thi. Nguyên tắc xác định điểm sàn những năm qua là dựa trên tổng chỉ tiêu, kết quả học tập của thí sinh, các đối tượng và ưu tiên trên vùng miền, dự báo khả năng dịch chuyển của thí sinh từng vùng miền.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định mức điểm sàn sao cho số thí sinh vượt khá xa tổng chỉ tiêu 1,5 lần để tạo nguồn tuyển cho các trường. Những năm gần đây, mặc dù số lượng đạt mức điểm sàn dôi dư nhưng một số trường địa phương, các trường khối ngoài công lập vẫn khó tuyển vì một số thí sinh ở thành phố lớn không muốn dịch chuyển về địa phương.
 
Vừa qua, trên diễn đàn, nhiều chuyên gia đều đề nghị nên có phương thức xác định điểm sàn mới, thay vì dựa trên tổng chỉ tiêu thì dựa trên năng lực học tập của thí sinh để phân tích kết quả làm bài, phổ điểm. Các ý kiến đóng góp này sẽ được hội đồng điểm sàn xem xét để đưa ra mức điểm sàn hợp lý cho năm nay.
 
- Câu hỏi mà các thí sinh luôn mong đợi là bao giờ sẽ có điểm thi và các em nên sử dụng giấy báo điểm như thế nào hợp lý nhất, thưa Thứ trưởng?
 
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trên nguyên tắc, chậm nhất là cuối tháng 7 các trường phải thông báo kết quả chấm thi đại học và cao đẳng là ngày 5/8. Còn điểm sàn thì dự kiến sẽ có vào khoảng từ ngày 8-10/8.
 
Những em trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ học trường dự thi. Những em không trúng tuyển sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận điểm thi để tham gia xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu.
 
Năm nay, Bộ cấp 3 phiếu vì có nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt 20 ngày, trong vòng 2 tháng. Đến 30/10, các thí sinh có thể hoàn tất hồ sơ nộp vào các trường mình chọn. Các em nên suy nghĩ cẩn thận để chọn trường vừa sức để trúng tuyển ngay...
 
- Xin cảm ơn Thứ trưởng Bùi Văn Ga.