Điểm thi môn Lịch sử vào đại học thấp: Không hẳn do thí sinh... lười

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những người làm giáo dục đang lo lắng, còn dư luận thì nhiều tranh cãi khi điểm thi tuyển sinh môn Lịch sử quá thấp. Tuy nhiên, đây cũng không phải là lần đầu tiên vấn đề này được đưa ra.

Thực tế đáng lo ngại
 
ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa công bố điểm thi khối C. Trong đó, môn Lịch sử chỉ có duy nhất một thí sinh đạt điểm 9, còn có hai thí sinh bị điểm 0, 53 bài thi dưới 2 điểm và 763 bài dưới 5 điểm. Tại ĐH Đà Nẵng, trong tổng số 2.467 bài thi môn sử, chỉ có 19 bài thi đạt điểm 5 trở lên (0,77%)... Các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân, ĐH Công đoàn, Học viện Quản lí giáo dục... tỷ lệ điểm thi từ 0 đến 1 chiếm gần như tuyệt đối trong số các túi bài thi môn Sử.
 
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, điểm 0 môn Sử là việc bình thường. Đã là cuộc thi tuyển, chuyện đề thi có sự phân loại thí sinh để tuyển chọn không có gì là lạ. Nhưng theo nhiều chuyên gia, thực tế năm nào cũng có hàng ngàn bài thi bị điểm 0 như vậy, không thể coi là bình thường, mà là một hiện tượng đáng báo động trong việc dạy và học môn Sử.
 
Thực tế, dạy môn Lịch sử hiện nay ở các trường vẫn còn tình trạng đọc chép nhiều, nên không lôi cuốn học sinh. Theo GS. Vũ Dương Ninh, giảng viên khoa Lịch sử (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), SGK Lịch sử hiện nay nặng về viết sử Đảng, khiến nhiều câu lặp đi lặp lại theo một mô-típ, chính vì thế học sinh cảm thấy không thích thú với bài học. Gần đây, Bộ GD&ĐT đã mời các hội nghề nghiệp, trong đó có Hội Sử học cùng xem xét lại các chương trình giảng dạy phổ thông. Và giáo viên dạy sử cũng đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên điều này chỉ diễn ra và có những chuyển biến nhất định ở một bộ phận, còn phổ biến vẫn dạy theo lối cũ, nên học sinh vẫn chỉ có thể "biết" chứ khó có thể "hiểu" lịch sử. Hơn thế nữa, tại các trường, sử chỉ được coi là môn phụ. Chỉ khi sắp thi tốt nghiệp mới tăng tiết cho học sinh, nếu không lại thời gian nhường cho môn khác.
 
Thay đổi phải bắt đầu từ thày
 
Nhiều người cho rằng, cần phải có cuộc khảo sát và đánh giá để tìm ra một hướng giải quyết thích hợp để môn Lịch sử hấp dẫn học sinh. Nếu không thì hiện tượng nắm vu vơ kiến thức sẽ còn trầm trọng hơn. Theo tiến sĩ Đặng Thanh Toán (khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội), muốn để học sinh yêu môn Lịch sử cần phải tăng cường cách dạy gợi mở. Giáo viên chỉ là người giải đáp còn phần lớn do học sinh tìm hiểu. Để làm được cách học này, yêu cầu phải có dụng cụ dạy học như tranh ảnh, bản đồ liên quan đến môn Lịch sử. Đặc biệt người giáo viên phải tâm huyết, kiến thức lịch sử sâu rộng.
 
Bởi thế, người đổi mới trước hết là thày giáo, thày giỏi không chỉ ở kiến thức khoa học cơ bản mà còn ở thao tác sư phạm. Vì, nếu thày chỉ nắm vững kiến thức lịch sử thì chỉ có thể là nhà nghiên cứu lịch sử chứ không thể là người dạy giỏi.
 
Điểm môn Lịch sử của học sinh kém còn do cả gia đình, nhà trường lẫn xã hội đều có thái độ coi thường các môn KHXH. Bản thân học sinh giỏi môn sử đi thi đoạt giải cao không bao giờ có ý định thi vào khối C hay chuyên ngành lịch sử. Từ đó hầu như không còn ai nghĩ đến vai trò giáo dục, tính nhân văn mà các bộ môn KHXH đem lại cho học sinh. Đây là một điều rất cần cấp bách thay đổi./.

 
 
Môn Lịch sử kém thu hút, điểm lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động… Tôi nghĩ việc dạy lịch sử là để hiểu biết truyền thống, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm. Nên cố gắng hướng tới mục đích ấy chứ không nên hướng tới việc yêu cầu học sinh nhớ chi tiết máy móc, nay nhớ xong mai lại quên…
 
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận