Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm thi phúc khảo tăng bất thường: Lỗi do đâu?

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau chấm phúc khảo, điểm thi THPT Quốc gia 2019 tăng bất thường, có thí sinh (TS) tăng từ 0 lên gần 9 điểm, thậm chí có TS từ rớt tốt nghiệp trở thành tân sinh viên nhận học bổng đại học (ĐH). Việc điểm thi tăng bất thường đang gây nhiều lo ngại trong khâu chấm thi trắc nghiệm THPT.

Điểm phúc khảo tại nhiều tỉnh cao bất thường. Ảnh: Lưu Ly
Từ 0 điểm đến được nhận học bổng!
Điều khiến dư luận quan tâm trong mấy ngày qua là điểm thi phúc khảo THPT Quốc gia 2019 tăng bất thường. Riêng Tây Ninh, điểm thi sau phúc khảo tăng mạnh, mức tăng từ 2 - 8,75 điểm. Trong đó, có 58 bài thi trắc nghiệm của 34 TS bị điểm 0 đều tăng sau phúc khảo. Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hoàng Lệ Kha tỉnh Tây Ninh Lê Bá Thơm cho biết, có một học sinh của trường là em Lê Quang Kỳ đạt giải Khuyến khích môn Tin học Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia có kết quả tổ hợp bài thi Khoa học Tự nhiên là 0 điểm, sau phúc khảo, điểm số của em tăng 20.5 điểm lần lượt là: Lý: 8,5 điểm, Hóa: 5,75 điểm, Sinh: 6,25 điểm. Từ 0 điểm, rớt tốt nghiệp, sau khi phúc khảo, em được nhận học bổng của ĐH FPT.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, đến 17 giờ ngày 1/8, tất cả 63 Hội đồng thi của 63 tỉnh/TP đã hoàn thành việc phúc khảo bài thi. Tổng số bài thi đã phúc khảo là 57.639, trong đó tổng số bài thi trắc nghiệm là 40.887. Tổng số bài thi trắc nghiệm có thay đổi kết quả sau phúc khảo là 204 bài thi, chiếm tỷ lệ 0,5%. Trong đó, 100% các bài thi trắc nghiệm đề nghị được phúc khảo tại 32 Hội đồng thi có kết quả phúc khảo không thay đổi so với kết quả ban đầu. Gần 20 Hội đồng thi chỉ có 1 - 3 bài thi trắc nghiệm thay đổi kết quả sau phúc khảo.

Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thông tin, đã ghi nhận một số TS được tăng điểm sau khi phúc khảo, 1 TS tại trường THPT Trưng Vương có điểm phúc khảo môn Ngữ Văn tăng từ 6 lên 6,5; một thí sinh tăng từ 6,5 lên 6,75. Tại Đà Nẵng, có 7 bài thi thay đổi điểm sau khi phúc khảo, đặc biệt có TS tăng từ 2,75 điểm lên 7 điểm sau khi chấm phúc khảo. Theo kết quả phúc khảo bài thi THPT Quốc gia 2019 tại Nam Định, có 14 bài thi thay đổi điểm, có TS từ 2 điểm tăng lên 8,25 điểm.

Còn tại Ninh Bình, có 106 TS gửi đơn phúc khảo các bài thi, sau khi Sở GD&ĐT Ninh Bình thành lập Hội đồng chấm thi phúc khảo, có 3 bài thi đã được thay đổi điểm từ 0,25 - 2,2 điểm.

Không chỉ các tỉnh miền Nam có điểm thi phúc khảo cao bất thường, các tỉnh miền Bắc cũng vậy. Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ nhận được đơn xin phúc khảo lại bài thi của 204 TS. Sau phúc khảo, có 11 bài thi môn Ngữ văn thay đổi điểm. Tất cả bài thi đều tăng lên từ 0,25 đến 2,5 điểm. Trước việc các tỉnh công bố kết quả phúc khảo thi THPT cao bất thường, dư luận băn khoăn, lỗi sai sót do đâu?

Lý do... bất thường

Tại Tây Ninh, về 58 bài thi điểm 0 được tăng điểm sau phúc khảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Sái Công Hồng lý giải, nguyên nhân là TS tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án, sai số báo danh. Trong khi đó, đại diện các trường ĐH chấm thi cho biết, do phần mềm chấm không nhận dạng được bài thi. Ông Sái Công Hồng cũng cho biết, việc 58 bài thi trắc nghiệm của 34 TS bị điểm 0 là hiện tượng cá biệt, chỉ xảy ra ở Hội đồng thi Sở GĐ&ĐT tỉnh Tây Ninh. Nhiều giáo viên chấm thi trắc nghiệm khẳng định đây không phải nguyên nhân chính khiến 58 TS bị điểm vì phần mềm sẽ báo lỗi nếu bài thi có sai sót và cũng có bước sửa lỗi bài thi.

Theo báo cáo của Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, việc chấm phúc khảo đã được thực hiện theo đúng quy trình phúc khảo của Bộ GD&ĐT. Còn đại diện Sở GD&ĐT Tây Ninh cho biết, lỗi thuộc về đơn vị chấm thi vì đã bỏ qua khâu soát, sửa lỗi. ĐH Công nghệ Đồng Nai được giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm tại Tây Ninh có thể chưa có kinh nghiệm xử lý khi lần đầu chấm thi trắc nghiệm.

Về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghệ Đồng Nai Trần Đức Thuận thông tin, khi phúc khảo, trường đã kiểm tra bản quét phiếu trả lời trắc nghiệm và không phát hiện lỗi gì. Sau đó, khi đưa bản scan vào, máy chấm không nhận diện được phần trả lời của TS nên đã chấm 0 điểm. Ngoài ra, 1 bài tăng điểm do TS tô sai mã đề thi, 1 bài có 2 câu thay đổi phương án nhưng chưa xóa sạch phần chọn trước đó, khiến máy chấm nhận diện tô 2 câu trả lời nên bị loại.

Thông tin từ hội đồng chấm thi của các trường ĐH, CĐ, việc thay đổi điểm số khi phúc khảo có nhiều nguyên nhân, từ lỗi kỹ thuật đến chủ quan của con người. Điểm thi cao bất thường tại nhiều tỉnh, tuy nhiên, sự cố ở Tây Ninh khiến dư luận hoài nghi về độ chính xác của phần mềm cũng như năng lực chấm thi của cán bộ các trường ĐH và sự minh bạch, khách quan khi chấm thi trắc nghiệm. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Bộ GD&ĐT nên có kế hoạch làm việc trực tiếp với trường ĐH để xảy ra lỗi trong khâu chấm thi. Từ đó, 2 bên cùng tìm ra sai sót, sửa chữa để đảm bảo kỳ thi tiếp theo không xảy ra tình trạng tương tự.