Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Covid-19 không chỉ làm xáo trộn cuộc sống của người dân mà còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Nhiều DN, tập đoàn lớn đã rơi vào cảnh lao đao; nhiều nền kinh tế trên thế giới bị hạ mức tăng trưởng...

Để vực dậy nền kinh tế sau Covid-19, tại Diễn đàn kinh tế 2021 với chủ đề “Điểm tựa phục hồi, phát triển kinh tế và DN”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24/11, các chuyên gia, nhà quản lý đã tập trung phân tích và đưa ra nhiều giải pháp.
Điểm sáng kinh tế Việt Nam

Theo các chuyên gia, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới sa sút, kinh tế Việt Nam vẫn tìm được những điểm sáng.

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) nhận định, kinh tế thế giới vốn đã giảm tốc từ năm 2019, suy thoái nặng nề năm 2020. Nhiều đánh giá cho thấy, GDP toàn cầu 2020 giảm tới khoảng 4 - 5%; thất nghiệp, thu hẹp giờ làm và giảm thu nhập đeo bám hàng trăm triệu lao động. Nhiều nước đã phải dùng các gói hỗ trợ kinh tế chưa từng có tiền lệ cả về quy mô, diện bao phủ, biện pháp và trao quyền.
 May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Phạm Hùng
Cũng theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam là nền kinh tế hội nhập sâu rộng, đặc biệt với nhiều đối tác đầu tư, thương mại, du lịch chủ chốt như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ… đã và đang phải hứng chịu dịch bệnh rất nặng nề, tăng trưởng kinh tế giảm sâu. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và DN.

Theo đánh giá của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, chúng ta đã trải qua 3/4 của năm 2020 đầy giông bão do đại dịch Covid-19 gây ra. Nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng rất nặng nề, các tổ chức quốc tế có uy tín đều đồng loạt hạ mức tăng trưởng dự báo và bức tranh kinh tế thế giới đã ngày càng trở nên bi quan hơn.
Tuy nhiên, báo cáo Cập nhật triển vọng và phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ tăng 6,3% trong năm 2021. Đáng chú ý, báo cáo đánh giá Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực.

Đối với mục tiêu kinh tế, chúng ta đạt cả 3 yêu cầu ổn định, tăng trưởng và kết nối. Ba chân kiềng của nền kinh tế vẫn giữ vững, bao gồm: Đổi mới thể chế mạnh mẽ; hội nhập vẫn đang thúc đẩy và chuyển đổi số đang được thực thi mạnh mẽ. “Đây là ba chân kiềng trong bếp lửa của nền kinh tế Việt Nam, là động lực tăng trưởng. Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương quyết liệt, kịp thời, các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội bước đầu phát huy tác dụng” - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Còn theo ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN, tác động không đồng đều của đại dịch được thể hiện về y tế và kinh tế. Châu Âu và Hoa Kỳ đang chịu tác động nặng nề nhất. Châu Á có sức chống chịu tốt hơn; ASEAN là một điểm sáng của châu Á, trong đó có Việt Nam.

Khai thác dư địa, bắt kịp xu hướng

Để vực dậy nền kinh tế trong năm 2021, bên cạnh những giải pháp của Chính phủ, các DN cần bắt kịp xu hướng kinh doanh, tăng cường hội nhập, tận dụng lợi thế từ các FTAs.

Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, kinh tế internet là một điểm sáng trong bức tranh đại dịch tối tăm mà Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng 5% trong khu vực. Trong đó, một loạt nhóm hàng tăng trưởng mạnh liên quan đến thương mại điện tử như may mặc, hàng điện tử và thực phẩm. Những lĩnh vực như cho vay hay dịch vụ giáo dục, giải trí, nội dung số cũng tăng mạnh. Xét về quy mô nền kinh tế internet, Việt Nam đang được đánh giá ở mức 14 tỷ USD, ngang ngửa Thái Lan và chỉ xếp sau Indonesia. Nhìn sâu vào bức tranh này sẽ thấy, lượng khách hàng tăng đột biến từ 30 - 50%, đây là con số mà các ngành kinh doanh mơ ước.

Trong tương lai, nếu đại dịch vẫn còn tiếp tục, giao dịch internet sẽ còn tăng nóng với các nhóm ngành tiêu biểu như gọi xe điện tử, giao nhận thức ăn, tài chính ngân hàng... Riêng dịch vụ tài chính số, Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực, cụ thể là ứng dụng internet trong ngân hàng. Dự báo trong tương lai gần, các nhóm ngành mà đầu tư nước ngoài sẽ đổ tiền vào gồm lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và một số dịch vụ khác như phát triển hạ tầng, năng lượng, đòi hỏi nguồn đầu tư lớn.

Nhìn nhận một cách toàn diện, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong năm 2021, đất nước chưa khỏi khó khăn, DN còn nhiều khủng hoảng, hàng triệu lao động chưa có việc làm, phục hồi DN đang trở thành mệnh lệnh. Do đó, song song với triển khai gói hỗ trợ lần 1 thì gói hỗ trợ lần 2 cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời; những lĩnh vực mà nếu vượt khó khăn trước mắt sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng như hàng không, du lịch.
Bên cạnh việc hỗ trợ DN bằng tài khoá, tín dụng… thì những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… là động lực lớn cho sự phát triển. Một điều quan trọng nữa là hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Chủ tịch VCCI, thúc đẩy hội nhập chính là một động lực cho tăng trưởng của Việt Nam. Chuyển đổi số cũng là điểm tựa quan trọng cho bước phát triển của nền kinh tế.

Còn theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng BCSI, để Việt Nam bước qua khó khăn, DN cần 8 nỗ lực, gồm: Thứ nhất, tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế, nhất là với các FTAs (như AEC; CPTPP; EVFTA,…) mà Việt Nam tham gia. Thứ hai, tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất toàn cầu dựa trên kết nối, lựa chọn đối tác hiệu quả và cùng thắng. Thứ ba, chuyển động cùng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhất là chuyển đổi số. Thứ tư, học hỏi và biết cách huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo. Thứ năm, đối thoại và ứng xử theo luật, đảm bảo hợp đồng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, người lao động. Thứ sáu, xây dựng thương hiệu và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhân văn. Thứ bảy là đối thoại, đồng hành với Chính phủ, các bộ ngành, góp phần hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh. Và cuối cùng là học và vận dụng tốt cách thức quản trị bất định và rủi ro.

"Xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tại ASEAN chưa được thay đổi nhiều cho thấy, chúng ta có nhiều dư địa. Tôi tin rằng việc dỡ bỏ rào cản, nâng cao sự cạnh tranh của môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực xã hội sẽ là động lực lớn nhất cho sự phát triển.' - Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc.


"Nói ngắn gọn, DN cần tái cấu trúc trên cơ sở: Nhận ra xu thế; tận dụng lợi thế; đau đáu sáng tạo; kết nối khôn ngoan; quản trị rủi ro. Tôi tin rằng DN, đội ngũ doanh nhân đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, sự sáng tạo, đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua được giai đoạn rất khó khăn hiện nay và vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời hậu dịch." - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - TS Võ Trí Thành