Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Điểm xám” ùn tắc giao thông: Nút thắt nhỏ, hệ luỵ lớn

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, Hà Nội luôn thống kê và chú trọng giải quyết các "điểm đen" ùn tắc giao thông (UTGT) trên nhiều trục đường chính với số lượng chỉ vài chục điểm.

Tuy nhiên hàng trăm, thậm chí hàng nghìn "điểm xám” ùn tắc còn phức tạp và gây nhiều hệ luỵ không kém lại chưa được thống kê đầy đủ, chưa có sách lược cụ thể để giải quyết.

Muôn hình vạn trạng

Trục đường Quang Trung - Trần Phú (Hà Đông) - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) là một trong những tuyến chịu áp lực giao thông lớn nhất của Hà Nội. Trên tuyến có những "điểm đen” UTGT đã được Sở GTVT chỉ ra cũng như nỗ lực giải quyết, chẳng hạn: Ngã Tư Sở, nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển… Nhưng bên cạnh đó còn có những "điểm xám” thường xuyên gây UTGT cho cả khu vực như hai nút giao lệch: Ngô Thì Nhậm - Cầu Đơ - Quang Trung; Vũ Trọng Khánh - Nguyễn Khuyến - Trần Phú. Hoặc khu vực các nút giao Vũ Trọng Phụng - Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân - Nguyễn Trãi…
UTGT đã trở thành vấn nạn của Hà Nội nhiều năm qua và không chỉ xảy ra ở vài chục "điểm đen” lớn mà cơ quan chức năng thống kê.

Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng
Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều tuyến đường nhỏ có vai trò quan trọng, khi ùn tắc lan cả ra các trục chính, gây ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ như đường Kim Giang, kéo dài từ Ngã Tư Sở đến cầu Bươu, giao cắt và có nhiệm vụ giải toả áp lực cho đường 70, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi.

Nhưng mặt đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn hư hỏng, chắp vá, xe cộ dừng đỗ tuỳ tiện khiến phương tiện lưu thông rất khó khăn, giờ cao điểm ùn tắc diễn ra tại nhiều đoạn tuyến. Đó chính là những "điểm xám”, tuy nhỏ nhưng gây hệ luỵ rất lớn cho mạng lưới giao thông của các quận, huyện: Thanh Xuân, Thanh Trì, Hà Đông, Đống Đa.

Hầu như bất cứ phường nào trong nội thành Hà Nội cũng có hàng chục "điểm xám”. Đó có thể là vị trí giao cắt giữa trục chính với ngõ nhỏ hoặc một con đường tắt đi tránh trục chính thường xuyên được người dân lựa chọn vào giờ cao điểm. Ngoài ra còn có cả những "điểm xám” do chính những thói quen, hành động của con người tạo nên.

Ví dụ như tại nút giao Dương Quảng Hàm - Nguyễn Khánh Toàn, một điểm tập kết rác choán hết nửa đường, gây ùn tắc nặng nề vào giờ cao điểm nhưng vẫn “kiên trì” hoạt động nhiều năm qua. Hoặc điểm tập kết rác tại nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Ngân.

Bất chấp nằm trên một trong những trục giao thông “áp lực” nhất của Hà Nội, công nhân vẫn ngày ngày tập kết, trung chuyển rác, xếp xe lớn nhỏ thành hàng hai hàng ba, kể cả vào giờ cao điểm.

Nhiều vị trí trong nội thành Hà Nội, đặc biệt là khu vực xung quanh các bến xe lớn, đã trở thành bến “cóc” lâu dài, gây UTGT nghiêm trọng, mất trật tự văn minh đô thị. Hay những điểm tập kết xe đưa đón học sinh, đón trả cán bộ, công nhân viên không được quản lý sát sao, sắp xếp phù hợp cũng hình thành nên các "điểm xám” nhức nhối.

Những "điểm xám" này gây hệ luỵ phức tạp cho mạng lưới giao thông đô thị của Hà Nội. Nhưng nhiều năm qua chưa có một thống kê đầy đủ nào về chúng, cũng chưa có một sách lược nào hữu hiệu để giải quyết triệt để.

Tăng cường tổ chức giao thông

Sau những điều chỉnh tổ chức giao thông rất hiệu quả tại một số nút giao, tuyến đường vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hạ tầng eo hẹp hiện nay, đó là một trong những giải pháp khả thi nhất. Nhiều "điểm xám” giao thông có thể được giải quyết dứt điểm bằng cách tăng cường tổ chức giao thông.

Ví dụ như hai nút giao lệch: Ngô Thì Nhậm - Cầu Đơ - Quang Trung; Vũ Trọng Khánh - Nguyễn Khuyến - Trần Phú, cần ngăn bớt hướng lưu thông hoặc đóng vĩnh viễn. Hay kéo dài dải phân cách cứng tại làn quay đầu trên miệng hầm chui Khuất Duy Tiến để giảm thiểu hiện tượng lấn làn, gây ùn tắc cục bộ từ xa.

Với những tuyến đường nhỏ nhưng có vai trò lớn như Kim Giang, Lương Thế Vinh, Cầu Diễn… cần tường xuyên duy tu, duy trì, đảm bảo êm thuận; tổ chức các hướng lưu thông theo giờ để tối ưu năng lực thông hành. Nhiều vị trí cần sự được nhìn nhận rõ sự bất hợp lý, có biện pháp xoá bỏ "điểm xám” như một số chân rác tồn tại nhiều năm qua trên phố Dương Quảng Hàm, Hoàng Ngân, bãi trông giữ xe đoạn nút giao Hoàng Đạo Thuý - Lê Văn Lương…

Với các trục chính nội đô có đủ điều kiện có thể xem xét xây dựng, lắp đặt những cầu vượt hỗn hợp dành cho cả xe máy và người đi bộ để hạn chế tình trạng đi ngược chiều hoặc ùn tắc tại điểm mở quay đầu. Bên cạnh đó cần quyết liệt hơn nữa trong công tác xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, đỗ xe, gây cản trở giao thông. Với những "điểm xám” do thói quen xấu của con người tạo nên, nếu lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đủ quyết tâm sẽ thực sự xoá được dứt điểm.

Đã đến lúc Hà Nội cần đưa những "điểm xám” giao thông vào một danh sách cụ thể, công khai để người dân được biết. Các cấp chính quyền từ TP đến quận, huyện, phường xã cần có kế hoạch cụ thể nhằm từng bước xoá triệt để "điểm xám”.

Với những "điểm đen” ùn tắc, muốn giải quyết cần phải đầu tư lớn về hạ tầng hoặc tính toán chi li, lâu dài phương án tổ chức giao thông. Nhưng các "điểm xám” lại dễ dàng hơn nhiều, có thể xử lý nhanh mà hiệu quả mang lại không hề nhỏ.

 

Giao thông đô thị là một mạng lưới có tính kết nối chặt chẽ, một điểm nghẽn sẽ ảnh hưởng đến cả khu vực. Và ngược lại, tháo gỡ được một nút giao, một đoạn đường dù nhỏ cũng sẽ tạo thuận lợi cho nhiều hướng lưu thông, nhiều trục đường phố khác. Hơn nữa, các trục chính đô thị nếu không được hỗ trợ bởi những nhánh nhỏ thuận lợi lưu thông sẽ còn hình thành, tồn tại nhiều "điểm đen” UTGT.