Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện ảnh trăn trở cùng mục tiêu công nghiệp văn hóa

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù vượt chỉ tiêu, nhưng ngành điện ảnh vẫn tồn tại nhiều bất cập khi các công ty nước ngoài thống lĩnh thị trường. Điều này cho thấy, để điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa còn nhiều thách thức.

Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, chỉ tiêu đến năm 2020 ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD. Nhưng thực tế, điện ảnh đã vượt chỉ tiêu năm 2020 vào năm 2018 (tổng doanh thu 155 triệu USD). Dù vượt chỉ tiêu, nhưng ngành điện ảnh vẫn tồn tại nhiều bất cập khi các công ty nước ngoài thống lĩnh thị trường. Điều này cho thấy, để điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa còn nhiều thách thức.

Các nhà làm phim nước ngoài tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V. Ảnh Quang Huy
Các nhà làm phim nước ngoài tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V. Ảnh Quang Huy

Đánh mất thị trường

Hiện nay, điện ảnh có những bước tiến mạnh mẽ so với 10 năm trước nhưng vẫn có nhiều vấn đề tồn tại. Về lĩnh vực sáng tạo và sản xuất phim, theo TS Ngô Phương Lan - Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam: Hiện nay có khoảng 500 DN Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim, các DN này được gọi là “hãng phim”. So với khoảng 50 hãng phim vào những năm 2000 thì số lượng hãng phim tăng đến 10 lần. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư sản xuất, nguồn nhân lực, nguồn kịch bản và doanh thu chiếu phim, nên chỉ có khoảng trên dưới 50 DN tham gia thực sự vào sản xuất phim”.

Mặt khác, có nhiều vướng mắc trong phát hành, phổ biến phim, ngay cả trước dịch Covid-19, trong đà phát triển nhanh nhưng thị trường điện ảnh cũng tồn tại nhiều bất cập. Hơn 60% số phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong phát hành phim, công ty nước ngoài sở hữu số lượng rạp lớn có biểu hiện thống lĩnh thị trường, chèn ép, áp đặt tỷ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim khiến các công ty sản xuất và phát hành phim Việt chịu nhiều rủi ro, thua lỗ, thậm chí phá sản.

Khái quát về những thách thức của công nghiệp điện ảnh Việt Nam, TS Ngô Phương Lan chỉ ra rằng: Nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, thị phần phim Việt mới chiếm chưa đến 30%; đội ngũ làm điện ảnh tại các cơ sở điện ảnh của Nhà nước thiếu và mai một dần; đầu tư của Nhà nước cho cả sản xuất phim, phổ biến phim và cơ sở vật chất kỹ thuật rất hạn chế, không đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả; phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần vì không có hạn ngạch phim nhập; rạp chiếu phim chủ yếu ở các TP lớn, rạp của các công ty nước ngoài phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, chiếm 60% số rạp và chi phối hoạt động chiếu phim tại Việt Nam.

Vì vậy, cần đưa ra những chính sách ưu đãi trong sản xuất phim với mục tiêu là sản xuất nhiều bộ phim có giá trị nội dung và nghệ thuật, có tác dụng giáo dục. Cụ thể, cần có ưu đãi về các loại thuế, về đầu ra của phim, về việc Nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng về nội dung và nghệ thuật để khuyến khích các nhà sản xuất phim tiếp tục làm ra những bộ phim tốt hơn.

Bên cạnh đó, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các tổ chức và cá nhân, cơ sở và DN điện ảnh bán phim Việt Nam để phát hành và chiếu ở nước ngoài dưới mọi hình thức, đồng thời quan tâm và triển khai việc khai thác phim Việt Nam ở thị trường nước ngoài trong và sau thời gian chiếu phim (kể cả việc phát triển các sản phẩm ăn theo phim) nhằm tận thu cho phim.

Bài học từ quá khứ và kinh nghiệm nước láng giềng

Ở góc độ người làm phim, nhà làm phim Nguyễn Hữu Tuấn nhận định, trước mắt ngành điện ảnh Việt Nam có không chỉ một, mà là hai con đường có thể dẫn tới hai đích đến hoàn toàn trái ngược. Con đường đầu tiên là ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về hạ tầng lẫn chất lượng, ngày càng được khán giả Việt Nam ủng hộ nhiều hơn, và có thể sống khỏe mạnh, vững vàng như ngành công nghiệp điện ảnh (CNĐA) Hàn Quốc. Con đường còn lại không thuận lợi như thế, Việt Nam sẽ đi theo vết xe đổ của ngành CNĐA Thái Lan.

Sở hữu một trong những hạ tầng làm phim tốt nhất ở châu Á, Thái Lan đã từng sản xuất được Pee Mak Prakanong (Tình Người Duyên Ma, 2013), một bộ phim ăn khách trên toàn châu lục đã thu về hơn 33 triệu USD. Trong thành tích đó, thị trường nội địa Thái Lan đóng góp 18 triệu USD, tương đương 53,7%. Năm 2018, một bộ phim đinh khác của Thái Lan là Bad Genius (Thiên Tài Bất Hảo), kiếm được 44,5 triệu USD trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, thị trường nội địa Thái Lan chỉ đóng góp 3,2 triệu USD, tương đương có 7,39%. Kết quả đáng thất vọng này tại quê nhà của Bad Genius phản ánh thái độ của khán giả Thái đối với phim Thái đã thay đổi rất nhiều chỉ sau vài năm. Bất kể chất lượng phim ra sao, khán giả Thái dường như không muốn ủng hộ phim nội địa nhiều như trước. Tất nhiên, có rất nhiều lý do đằng sau hiện tượng này, nhưng một phần trách nhiệm không nhỏ phải được quy cho việc đa số các nhà sản xuất Thái Lan đã làm ra quá nhiều những bộ phim một màu và có chất lượng yếu trong những năm gần đây.

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam cũng từng xảy ra hiện tượng tương tự vào thời kỳ phim “mỳ ăn liền”. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, phim thương mại được khán giả Việt Nam vô cùng ưa thích. Tuy nhiên, vì quá tập trung vào lợi nhuận, các nhà sản xuất có xu hướng làm phim rẻ và nhanh nhất có thể. Khi chất lượng của các bộ phim đi xuống dần, khán giả Việt Nam cuối cùng đã trừng phạt ngành CNĐA bằng cách hoàn toàn quay lưng với điện ảnh Việt vào cuối thập niên này. Bài học từ quá khứ và kinh nghiệm từ láng giềng phải được tất cả các bên của ngành CNĐA Việt Nam nghiêm túc xem xét.

Năm 2019, siêu bom tấn “Avengers: Endgame” (Avengers: Hồi kết) thu về hơn 27 triệu USD tại Thái Lan và gần 12 triệu USD ở Việt Nam, có thể tạm coi như quy mô thị trường Thái lớn gấp 2 lần thị trường điện ảnh nước ta. Thế nhưng, phim Thái hiện nay dù có thuộc loại ăn khách nhất năm cũng chỉ có thể đạt đến mức doanh thu khoảng 150 - 160 tỷ đồng, kém xa kỷ lục doanh thu của “Bố già”.

Nhìn vào sự khác biệt này, ta có thể thấy rằng tình hình của phim Thái Lan khá ảm đạm trên sân nhà, trong khi đó ta tạm yên tâm rằng, khán giả Việt Nam vẫn dành nhiều tình cảm cho phim Việt. Nhưng nếu một ngày nào đó, khán giả mất niềm tin, thời kỳ tăng trưởng mà ngành điện ảnh đang được hưởng có thể sẽ kết thúc sớm hơn nhiều người tưởng.

Theo nhà làm phim Nguyễn Hữu Tuấn: “Trong những năm tới đây, chúng ta vẫn sẽ thấy sự xuất hiện của các phim remake (phim làm lại; phim lấy chất liệu chính từ phim đã có). Không cần thiết phải lo lắng quá nhiều vì remake là một xu hướng chung trên toàn cầu khi các nền điện ảnh đang xích lại gần nhau.

Đối với Việt Nam, trong tình hình vắng bóng tài năng biên kịch, việc sử dụng kịch bản nước ngoài đã có sẵn là một cách tốt để học hỏi, đi tắt đón đầu. Điều đáng mừng cần ghi nhận là phim remake cũng đang dần nói không với cách làm phim photocopy và đầu tư nhiều hơn sức sáng tạo để tạo ra đời sống riêng, đậm chất Việt cho phiên bản Việt. Nhưng các bên trong ngành cũng nên hiểu rằng, làm phim remake đồng nghĩa với việc giới hạn đầu ra cho xuất phẩm của mình trong thị trường nội địa”.

Phim Thái Lan tuy chật vật ở quê nhà họ vẫn có thể xuất khẩu phim và thu thêm rất nhiều lợi nhuận. Đơn cử như Friend Zone (Yêu nhầm bạn thân, 2019) chỉ đạt mức doanh thu nội địa khoảng 4 triệu USD nhưng đã thu thêm được 9,8 triệu USD trên các thị trường quốc tế, riêng Việt Nam đóng góp cho bạn 2,1 triệu USD. Giống như nền điện ảnh láng giềng, phim Việt Nam không thể chỉ tư duy hướng nội mà cũng rất cần có tầm nhìn rộng hơn, vươn mình ra xa khỏi quê nhà, tìm lợi nhuận ở các thị trường nước ngoài.

Điều đó không phải là không thể, “Hai Phượng” đã chứng minh rằng phim
Việt Nam có thể gia tăng doanh thu đáng kể khi mở ra được một cửa phát hành quốc tế mạnh như Netflix. Để có thể lập lại và vượt qua thành tích ấy trong tương lai, chất lượng các bộ phim là yếu tố tiên quyết.

Phim Việt buộc phải làm được điều đó bằng nội lực của chính mình, làm sao tạo ra được những bộ phim mang tính toàn cầu mà vẫn mang những nét độc đáo của đất nước. Trên hành trình mới này, nâng niu và bồi đắp sức sáng tạo, tính nguyên bản cho phim Việt Nam là sứ mệnh không của riêng ai. Sau một quãng thời gian phát triển về số lượng, giờ là lúc bắt đầu phát triển về chất lượng, và tất cả các bên trong ngành đều phải chung tay phấn đấu cho mục tiêu này.